ĐỀ XUẤT CẤM CÁ NHÂN MUA NHÀ NƯỚC NGOÀI (KỲ III): Cần quy định “dễ thở”

THIÊN BÌNH 30/09/2020 15:45

Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch, chống rửa tiền.

Hoa Kỳ vẫn là quốc gia thu hút được sự chú ý về bất động sản đối với cư dân nhiều quốc gia trên thế giới.

Hoa Kỳ vẫn là quốc gia thu hút được sự chú ý về bất động sản đối với người Việt

Dự thảo nghị định lần này bổ sung quy định chỉ các DN mới được đầu tư bất động sản tại nước ngoài. Cá nhân sẽ không được đầu tư kinh doanh bất động sản tại nước ngoài. Quy định này nhằm tránh tình trạng cá nhân mua bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.

Xu thế quốc tế hóa

Ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng cho rằng, việc cấm cá nhân nhưng lại cho DN đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài sẽ không có nhiều tác dụng. Bởi cá nhân muốn lách luật để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không khó. Việc thành lập một công ty hiện nay cũng chỉ cần vốn rất nhỏ, hoàn tất đầu tư, cá nhân có thể nhập quốc tịch, giải thể công ty. Như vậy, động cơ mang tiền ra nước ngoài mua quốc tịch của nhiều cá nhân vẫn thực hiện được. 

Theo ông Quỳnh, thực tế với xu thế quốc tế hóa như hiện nay, việc một cá nhân hay con cái họ di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để làm việc, sinh sống, kết hôn rồi mua nhà là chuyện bình thường. Do vậy vấn đề cốt lõi ở đây không phải cấm là mà làm sao kiểm soát được nguồn thu nhập của họ, sao cho nguồn thu nhập đầu vào đó phải là hợp pháp.

Ông Thân Thành Vũ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam (VnTPA) dẫn thống kê của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR), năm 2017, Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, tăng 2 bậc so với năm 2016. 

Ông Vũ cho rằng người Việt mua nhà tại nước ngoài là do nhiều quốc gia trên thế giới có những ưu đãi đặc biệt như được cấp quốc tịch, nhân khẩu thường trú. Cùng với đó là điều kiện sống, học tập, khám chữa bệnh, phúc lợi xã hội ở mức cao, rất hấp dẫn đối với người Việt, nhất là những gia đình có điều kiện cho con đi du học.

Việt Nam nằm top 10 quốc gia có lượng đầu tư bất động sản lớn nhất vào Mỹ từ tháng 4/2016- 3/2017.

Việt Nam nằm top 10 quốc gia có lượng đầu tư bất động sản lớn nhất vào Mỹ từ tháng 4/2016- 3/2017. Nguồn: Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR)

Một điểm hấp dẫn đặc biệt của bất động sản ngoại là quyền sở hữu tài sản. Tại nhiều quốc gia, điển hình như tại Mỹ, người mua nhà được sở hữu vĩnh viễn đối với tài sản nhà ở của mình. Bên cạnh đó, giá bất động sản ở nước ngoài có sức hấp dẫn hơn ở Việt Nam.

Ngoài ra, tính minh bạch và sự an toàn của một thị trường đã phát triển ổn định. Các khách hàng mua nhà nếu không có nhu cầu ở có thể cho thuê lại với lợi nhuận cao như một kênh đầu tư thông thường.

Pháp lý còn trống

Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam đã có chính sách thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản, ở chiều ngược lại, Nhà nước cũng nên tạo thuận lợi để người dân có thể đầu tư bất động sản ra nước ngoài theo con đường chính ngạch. Qua đó, Nhà nước sẽ kiểm soát được dòng tiền đầu tư và bảo vệ được người tiêu dùng.

"Hiện tại cơ sở pháp lý cho việc đầu tư này còn trống. Do đó, Chính phủ nên xây dựng một khuôn khổ pháp lý cụ thể nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân đầu tư ra nước ngoài và cần quản lý chặt chẽ dòng tiền và tránh những tổn thất cho các nhà đầu tư" - ông Thắng đề xuất.

Về phía doanh nghiệp, ông Quỳnh cũng đề xuất, cần hướng các quy định để nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân được phép đầu tư vào những loại hình như BĐS công nghiệp, BĐS thương mại như trung tâm mua sắm... Như vậy sẽ thu được ngoại tệ về cho đất nước, đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài.

Bên cạnh việc bổ sung quy định pháp luật thì vai trò giám sát và minh bạch thông tin là rất quan trọng, đặc biệt đối với khối làm việc trong cơ quan nhà nước. Nếu việc giám sát được thực thi tốt sẽ hạn chế các trường hợp đầu tư BĐS ra nước ngoài không vì mục đích sản xuất - kinh doanh.

KỲ IV: Mâu thuẫn "mở cửa" cho người nước ngoài

Có thể bạn quan tâm

  • Phản hồi: Hà Nội mới có 41 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà được “cấp sổ”

    Phản hồi: Hà Nội mới có 41 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà được “cấp sổ”

    12:00, 09/09/2020

  • CẤM CÁ NHÂN MUA NHÀ NƯỚC NGOÀI: Khó kiểm soát dòng tiền rời Việt Nam

    CẤM CÁ NHÂN MUA NHÀ NƯỚC NGOÀI: Khó kiểm soát dòng tiền rời Việt Nam

    15:00, 29/09/2020

  • Mời người nước ngoài mua nhà Việt Nam sao cấm người Việt Nam mua nhà nước ngoài?

    Mời người nước ngoài mua nhà Việt Nam sao cấm người Việt Nam mua nhà nước ngoài?

    13:02, 20/05/2018

  • "Chặn cửa" người Việt mua nhà ở nước ngoài để lấy quốc tịch

    15:00, 25/09/2020

THIÊN BÌNH