Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ II): Doanh nghiệp "thỉnh không" hàng ngàn hecta đất

LÊ SÁNG 15/10/2020 05:00

"Thỉnh không" hàng ngàn hecta đất trong khi công trình tâm linh chỉ chiếm phần nhỏ trong diện tích đất được giao, các dự án đang nhập nhèm yếu tố tâm linh và kinh doanh kiếm lợi.

Chùa Tam Chúc (Hà Nam) do DNTN Xuân Trường đầu tư xây dựng được Bộ TN&MT kết luận là được giao đất chưa rõ đối tượng và mục đích cũng có nghĩa là dự án này chưa đóng đồng tiền đất nào vào ngân sách nhà nước.

Chùa Tam Chúc do doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đầu tư xây dựng được Bộ TN&MT kết luận là được giao đất chưa rõ đối tượng và mục đích cũng có nghĩa là dự án này chưa đóng đồng tiền đất nào vào ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, cụm từ dự án “du lịch tâm linh” được nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng như câu “thần chú” để có thể “thỉnh không” về hàng trăm, hàng ngàn hecta đất, kể cả đất lâm nghiệp, nông nghiệp, thậm chí là đất trồng lúa để triển khai những siêu dự án “du lịch tâm linh” mà không phải đón một đồng tiền thuê đất nào.

Một trong những “đai gia” trong giới phát triển các dự án “du lịch tâm linh” là cái tên Xuân Trường khi doanh nghiệp này đã và đang đang ồ ạt xây dựng các dự án tâm linh quy mô lớn, dự án sau lớn hơn dự án trước.

Cụ thể, như tại quần thể chùa Bái Đính được xây dựng với diện tích 539ha bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ, 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003, còn lại là các hạng mục khác như: Công viên văn hóa và học viện Phật giáo, đường giao thông và bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị…

Dự án du lịch tâm linh chùa Bái Đính chỉ có khoảng 107 ha đất cho công trình tôn giáo trên 539ha đất của cả quần thể.

Dự án du lịch tâm linh chùa Bái Đính chỉ có khoảng 107 ha đất cho công trình tôn giáo trên 539ha đất của cả quần thể

Tiếp sau chùa Bái Đính là doanh nghiệp Xuân Trường đã tiếp tục triển khai những dự án tâm linh khác với quy mô càng ngày càng “khủng”. Tại Hà Nam, doanh nghiệp Xuân Trường thông báo đầu tư đến 11.000 tỷ đồng để xây dựng một quần thể chùa chiền lớn nhất thế giới với diện tích 5.100ha, nằm bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam).

Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này cũng thông báo đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7ha. Số đất dành cho khu dịch vụ là 108ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…

Còn tại Thái Nguyên, doanh nghiệp này tuyên bố sẽ xây dựng bảo tháp Phật giáo lớn nhất thế giới khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940ha (gồm diện tích hồ là 2.500 ha).

Liên quan đến việc cấp diện tích lớn đất cho hàng loạt dự án “du lịch tâm linh” trên, hồi tháng 8/2019, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho biết các dự án tại Ninh Bình, Hà Nam chưa xác định được đối tượng được giao đất cũng như mục đích, chế độ sử dụng đất. Điều này là ngân sách nhà nước chưa thu được đồng nào từ dự án trong khi các dự án này đang thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Tại Thái Nguyên, tại thời điểm tháng 9/2019, dù đã thông tin quảng bá rầm rộ về dự án “du lịch tâm linh” tại đây nhưng theo Bộ TN&MT tỉnh này chưa giao đất và doanh nghiệp Xuân Trường cũng chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định cũng có nghĩa là chưa có đồng tiền liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất được doanh nghiệp nộp vào ngân sách.

Không “thuận lợi” như “đại gia” Xuân Trường, dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy do công ty Công ty TNHH Một thành viên viên Pacific - Hòa Bình đầu tư khi được UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 48ha đất trồng lúa đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ dư luận.

Chùa Tiên, nằm trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái-tâm linh Lạc Thủy từng đề xuất lấy 48ha đất lúa.

Chùa Tiên nằm trong khu vực dự án Khu du lịch sinh thái-tâm linh Lạc Thủy từng đề xuất lấy 48ha đất lúa

Tại thời điểm tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ đã khẳng định việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành trung ương và tại thời điểm đó, dự án chưa đủ điều kiện để xem xét.

Đến nay, theo ghi nhận của DĐDN, trong các thông tin liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy đã không còn cụm từ “tâm linh” mà chuyển thành dự án Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy và được quảng bá sẽ tạo sức hút cho địa phương ngheo từ tiềm năng du lịch.

Trong chương trình hành động kích cầu du lịch gắn với phát triển dịch vụ của huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) từ nay đến cuối năm 2020, một trong những trọng tâm là thúc đẩy dự án xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình để nối 2 khu du lịch chùa Hương, Mỹ Đức (Hà Nội) và chùa Tiên. Được biết, tuyến cáp treo Hương Bình vốn cũng nằm trong phân khu 1 của dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy đã được công ty Pacific - Hòa Bình đề ra.

Kỳ III: Sự quan ngại từ phía chuyên gia

Có thể bạn quan tâm

  • Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ I): Chưa được định danh, khó kiểm soát

    Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ I): Chưa được định danh, khó kiểm soát

    05:00, 13/10/2020

  • Nhập nhèm đất tâm linh

    Nhập nhèm đất tâm linh

    11:00, 29/08/2019

  • Nhập nhèm đất du lịch tâm linh

    Nhập nhèm đất du lịch tâm linh

    15:30, 05/06/2019

  • “Ăn ké” chốn tâm linh

    “Ăn ké” chốn tâm linh

    11:00, 30/05/2019

LÊ SÁNG