“Ăn ké” chốn tâm linh

Trương Khắc Trà 30/05/2019 11:00

Chuyện cũ chưa giải quyết xong, nay lại “lòi” ra việc mới, thêm một dự án liên quan đến tâm linh ở Ninh Bình đội vốn 40 lần! Từ 2,9 tỷ đồng lên trên 78 tỷ đồng.

Biếm họa của Cận

Biếm họa của Cận.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nghị trường nóng hổi bởi hai dự án tâm linh ở Ninh Bình bị đội vốn, đặc biệt có dự án bị tăng gấp 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên tới 2.559 tỷ đồng.

Kỳ họp lần này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện là một trong bốn thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn với nhóm vấn đề về quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh.

Chuyện cũ chưa giải quyết xong, nay lại “lòi” ra việc mới, thêm một dự án liên quan đến tâm linh ở Ninh Bình đội vốn 40 lần! Từ 2,9 tỷ đồng lên trên 78 tỷ đồng. Đáng nói, cả hai dự án “đốt tiền” này vẫn chưa biết khi nào xong!

Chủ đầu tư hai công trình đầy tai tiếng trên là các Sở, nguồn vốn là ngân sách, nhưng nằm trong phạm vi quản lý hành chính của Bộ trưởng Thiện, vì đây là khu du lịch tâm linh, thắng cảnh nổi tiếng thế giới.

Một đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nói rằng: “sông Sào Khê chảy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình. Đây là vùng trọng điểm du lịch, nên dự án được điều chỉnh theo hướng vừa phục vụ nông nghiệp, vừa tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng để Tràng An được công nhận di sản thế giới và phục vụ giao thông thủy, du lịch”.

Mục tiêu không chê vào đâu được, nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất là hàng ngàn tỷ đồng ngoài dự toán hết lần này đến lần khác bị điều chỉnh chứ không phải hiệu quả của dự án này.

Ngành Văn hóa, Du lịch đang đứng trước nhiều vấn đề khi trong vài năm trở lại đây đã xuất hiện “công nghiệp tâm linh” thiếu minh bạch.

Nghịch lý là, trong khi cơ sở hạ tầng cho văn hóa, tâm linh ào ạt xây dựng nhiều công trình đồ sộ. Nhưng văn hóa tâm linh tín ngưỡng xuất hiện nhiều biểu hiện xuống cấp, gây bao điều tiếng.

Ông Thiện từng nói rất đúng và trúng tại kỳ họp Quốc hội lần trước, rằng: “xuống cấp văn hóa xuất phát từ kinh tế nên phải xử lý ở các ngành kinh tế”. Nhưng, nguyên lý ấy chỉ đúng khi “suy đến cùng”, và văn hóa, đạo đức có tính độc lập tương đối để tác động trở lại kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Loạt dự án đội vốn "khủng": Bộ GTVT quy trách nhiệm cho nhà đầu tư

    17:33, 28/05/2019

  • Vì sao nhiều dự án ODA đội vốn nghìn tỷ?

    15:58, 23/05/2019

  • Kỷ lục khủng khiếp: 4 lần điều chỉnh, dự án đội vốn gần 4.000%

    09:05, 21/05/2019

  • Tuyến metro sợ khiếu kiện vì “đói vốn”, TP HCM phải kiến nghị khẩn ứng 2.158,5 tỉ đồng

    00:00, 08/03/2019

  • Những dự án "đội vốn" nghìn tỉ ở Hải Phòng: Tiền đã chảy đi đâu?

    09:30, 18/07/2018

  • “Xin - cho” đầu tư công và những công trình “siêu” đội vốn

    11:28, 22/06/2018

  • Vì sao dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần?

    19:35, 02/06/2018

Cứ cho là công trình văn hóa tâm linh có thể đội vốn, nhưng con số gấp hàng chục lần là điều khó chấp nhận, và nhà chức trách có dám cam kết trước dân “chịu tốn tiền rồi văn hóa sẽ khơi trong, du lịch sánh ngang láng giềng?”.

Dĩ nhiên, vực dậy văn hóa, tâm linh đúng chuẩn là lĩnh vực khó, chỉ mỗi tiền khó gánh vác trọng trách này, vì nơi đó cần chữ “TÂM” của người quản lý, làm sao bớt “lợi ích nhóm” ở chốn thiêng liêng.

Hiện đã quá nửa nhiệm kỳ, giờ là lúc cử tri muốn nghe thấy, nhìn thấy thành tích, kết quả trong thực tiễn chứ không phải ùn ứ lại vô số vấn đề để rồi “nhường lại câu trả lời cho nhiệm kỳ sau!”.

Đúng như người xưa đã nói, bảo tồn di tích lịch sử, tâm linh cũng giống như bảo tồn đạo đức, văn hóa của con người. Cốt ở nhân cách chứ không phải quan trọng ở tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Ăn ké” chốn tâm linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO