Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong các quy định hiện hành không có quy định về khái niệm công trình tâm linh mà chỉ quy định về công trình tôn giáo, tín ngưỡng.
Mới đây, trong báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, theo quy định pháp luật hiện hành về tôn giáo tín ngưỡng, du lịch, đất đai và xây dựng không quy định về khái niệm công trình tâm linh mà chỉ quy định về công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Sắp tới Bộ sẽ rà soát quy hoạch công trình tâm linh kết hợp du lịch sinh thái trên cả nước.
Hiện nay soi chiếu vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thì việc quy hoạch, xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng được điều chỉnh tại một số luật như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai, Luật Du lịch, Luật Xây dựng.
Theo đó, đối với công trình tôn giáo, tín ngưỡng là công trình di tích lịch sử văn hóa, việc quản lý quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 166 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Riêng đối với các hạng mục công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây mới thuộc các khu du lịch, việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Xây dựng. Như vậy, khái niệm "công trình tâm linh" chưa xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật và quy định hiện hành.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội, thời gian qua, ở một số địa phương đã có việc một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng được xây mới hoặc cải tạo nâng cấp tại các khu, điểm du lịch để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và góp phần phát triển du lịch, gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương.
"Tuy nhiên, các quy định pháp luật điều chỉnh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình tôn giáo tín ngưỡng có kết hợp phục vụ phát triển du lịch hiện nay còn tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, một số nội dung liên quan đến quản lý sử dụng đất, quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành chưa đủ rõ" - báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.
Trong thực tế, thời gian qua đã ghi nhận hiện tượng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào các dự án du lịch tâm linh theo kiểu “bạt núi, lấp sông, ta trồng di tích” khiến hàng trăm hecta đất rừng, đất lúa bị xóa sổ, ảnh hưởng đến môi sinh và đời sống của nhiều người dân nơi có "dự án".
Theo nhận định của các chuyên gia về pháp lý và văn hóa hóa thì dù đã có quy định về việc đất và công trình tôn giáo phải xuất phát từ nhu cầu và khảo sát của cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện những “siêu dự án” với danh nghĩa là khu du lịch văn hóa, tâm linh, tôn giáo để kinh doanh thu tiền lại đang có hiện tượng nở rộ ở nhiều địa phương dựa vào "năng lực" của tổ chức, doanh nghiệp chứ chưa thực sự từ nhu cầu văn hóa, tâm linh của người dân.
Nhiều chuyên gia đặt vấn đề cần sớm có các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng vỏ bọc tâm linh triển khai các dự án xây dựng quy mô lớn, phá vỡ quy hoạch chung của địa phương, hủy hoại môi sinh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện do chúng ta chưa có quy định rõ ràng về quy chuẩn kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa cho các công trình “tâm linh” này dẫn đến việc “mạnh ai nấy xây” rất khó kiểm soát.
KỲ II: Nhập nhèm tâm linh và kinh doanh kiếm lợi
Có thể bạn quan tâm