Nên cho phép doanh nghiệp kinh doanh nhà trọ
Nếu doanh nghiệp được đầu tư nhà trọ, phòng trọ sẽ góp phần tăng nguồn cung loại phòng trọ có chất lượng tốt hơn và cũng khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Hiện nay các quy định đang có chưa tạo điều kiện chính danh cho doanh nghiệp được xây dựng và kinh doanh loại hình phòng trọ, nhà trọ dù nhu cầu là rất lớn.
Doanh nghiệp chưa được kinh doanh nhà trọ
Cụ thể, hiện nay tại khoản 3 Điều 53 Luật Nhà ở cho phép “hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình”. Tại khoản (1.a) Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định nhà ở xã hội là nhà chung cư, thì “diện tích mỗi căn hộ tối thiểu là 25m2 sàn, tối đa là 70m2 sàn”.
Trong khi đó, khoản (1.c) Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP giao cho “Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ”. Điều 3 Thông tư 20/2016/TT-BXD, quy định cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng phòng trọ cho thuê, thì “Diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2; Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 cho một người”.
Việc các quy định của pháp luật về nhà ở hiện không cho phép doanh nghiệp được đầu tư kinh doanh phòng trọ, nhà trọ là không hợp lý bởi quy định này không phù hợp với Luật Đầu tư, vì hoạt động kinh doanh phòng trọ, nhà trọ không thuộc ngành nghề bị cấm kinh doanh.
Thực tế cho thấy bất cập trên là khá lớn bởi thực trạng hầu hết các khu nhà trọ, phòng trọ hiện nay do các hộ gia đình, cá nhân là nhà lụp xụp, không có các tiện ích cơ bản, thiếu an toàn, an ninh.
Tại TP.HCM, để thực hiện các dự án khu nhà trọ thì các chủ doanh nghiệp bất động sản phải đứng tên trên danh nghĩa cá nhân để thực hiện dự án. Như trường hợp ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ Công ty Lê Thành bắt buộc phải đứng tên cá nhân để đầu tư 02 dự án khu phòng trọ cho thuê cao 5 tầng với khoảng 300 phòng trọ tại phường An Lạc (quận Bình Tân).
Cần sớm điều chỉnh Luật
Nếu doanh nghiệp được đầu tư nhà trọ, phòng trọ thì sẽ góp phần tăng nguồn cung loại phòng trọ có chất lượng tốt hơn, có nhiều tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, lao động và người nhập cư, và tạo sự cạnh tranh, tạo áp lực để các hộ gia đình, cá nhân phải cải tạo, nâng cấp chất lượng phòng trọ, nhà trọ tốt hơn. Đồng thời, cũng phù hợp với định hướng khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Do vậy, HOREA kiến nghị các cơ quan chức năng có thể sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản (1.c) Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, theo hướng cho phép tổ chức, doanh nghiệp được đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội riêng lẻ dạng phòng trọ, nhà trọ.
Cụ thể, có thể xây dựng quy định theo hướng “việc thiết kế nhà ở xã hội riêng lẻ dạng phòng trọ, nhà trọ do tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng phải bảo đảm chất lượng xây dựng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ dạng phòng trọ, nhà trọ”.
Có thể bạn quan tâm
HoREA: Sở TN&MT TP.HCM tính nhầm số lượng sổ hồng đã cấp?
05:00, 18/09/2020
HoREA kiến nghị cấp "sổ hồng" cho người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM
03:40, 04/09/2020
HOREA đề xuất “khai tử” tạm thời các dự án BT
14:50, 11/08/2020
HOREA nói gì về cách tính diện tích đất ở của Sở TN&MT TP.HCM?
09:28, 08/08/2020