HOREA đề xuất “khai tử” tạm thời các dự án BT

LÊ SÁNG 11/08/2020 14:50

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho rằng cần sớm “thông tắc” các dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT) đang thực hiện dở dang trước thời điểm bị “khai tử”.

Dự án tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến ngã Tư Vọng theo hình thức BT. Ảnh: Internet 

Dự án tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến ngã Tư Vọng đang xây dựng theo hình thức BT

Vừa qua, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực (01/01/2021) và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15/08/2020.

Doanh nghiệp đứng giữa

Động thái này được dư luận cũng như giới chuyên gia, nhà phân tích, doanh nghiệp đánh giá là rất kịp thời và rất cần thiết, để có thời gian xem xét, rà soát hoàn thiện lại hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật điều chỉnh loại hình đầu tư dự án BT.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai của các dự án BT đang thực hiện dở dang đã được thông qua trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021) vẫn có một số điểm “chưa thông” gây khó cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản (5.c) Điều 101 Luật PPP thì “Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2021) thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”.

Đại diện HOREA cho rằng căn cứ quy định này thì các dự án BT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT với nhà đầu tư trong năm 2020 trở về trước thì vẫn được “tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”.

Tuy nhiên, trong thực tế, theo HOREA thì các địa phương hiện hầu như “chưa dám” cho phép nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án BT; cũng chưa thanh toán khối lượng công trình BT đã được nhà đầu tư thực hiện; cũng “chưa dám” bàn giao quỹ đất thanh toán Hợp đồng BT để nhà đầu tư thực hiện “dự án khác” nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án BT gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi đang là “người đứng giữa”.

Đề xuất “khai tử” có thời hạn

Những hạn chế, lỗ hổng của các dự án theo hình thức BT đã được chỉ ra, mổ xẻ không ít nhưng rõ ràng đây vẫn là một trong những phương thức để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư của Đảng và Nhà nước. Quan trọng hơn, đối với những doanh nghiệp đang “chơi vơi giữa dòng BT” thì nhiều chuyên gia, nhà phân tích cũng cho rằng cần có định hướng để đảm bảo hài hòa "công - tư" và để doanh nghiệp có thể “vào bờ”.

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên được làm theo hình thức hợp đồng BT

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên được làm theo hình thức hợp đồng BT

Xuất phát từ thực tiễn triển khai của các dự án BT đang triển khai, HOREA đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số cơ chế chính sách để khởi động lại các dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, vừa không làm thất thoát quỹ đất công, trụ sở làm việc.

Trong đó, điểm đáng chú ý là đề xuất việc dừng thực hiện dự án BT (theo Khoản 5 và Khoản 6 Điều 101 Luật Đầu tư 2020) chỉ nên thực hiện trong giai đoạn 2020-2022 để xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách, pháp luật liên quan. Như vậy, HOREA đề xuất “khai tử” tạm thời rồi lại làm sống lại các dự án theo hình thức BT.

Được biết, trước đó về vấn đề này, HOREA cũng đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất các địa phương tiếp tục cho phép thực hiện các dự án BT đã ký kết hợp đồng, thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng (trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực ngày 1/1/2021).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA nhận định việc sớm “thông tắc” cho các dự án BT đang thực hiện dở dang sẽ giúp sớm huy động nguồn lực của khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển các công trình hạ tầng, dịch vụ, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhất là trong bối nền kinh tế nói chung đang gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay.

Vừa qua, tại văn bản số 79/2020/CV-HoREA gửi Chính phủ, các Bộ ngành và UBND thành phố HCM, HOREA đã có một số kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các Luật, văn bản dưới Luật liên quan đến các dự án BT đang thực hiện và gặp vướng mắc, gồm:

1/ Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật đầu tư công; Luật ngân sách nhà nước; Luật Giá, quy định sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” để thanh toán dự án BT, là phương thức thanh toán chủ yếu, như sau: Thực hiện phương thức “Nhà nước đặt hàng” công trình BT thuộc dự án BT (Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT thực hiện theo pháp luật về đấu thầu). “Nhà nước đặt hàng” (mua) công trình BT theo phương thức sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” thanh toán Hợp đồng BT cho nhà đầu tư dự án BT, hoặc cấn trừ nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư với nhà nước (tiền sử dụng đất, thuế…).

2/ Đề xuất chỉ sử dụng “quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng” để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT với điều kiện nhà đầu tư thực hiện ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định tại Khoản (1.b) Điều 8 Nghị định 69/2019/NĐ-CP. Trong gói thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, thanh toán bằng “quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng”, và nhà đầu tư dự án BT cũng là nhà đầu tư “dự án khác”, thì phải thực hiện đấu thầu dự án BT, đồng thời đấu thầu “dự án khác” trong cùng cuộc đấu thầu, trong đó có điều kiện nhà đầu tư thực hiện ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

3/ Đề xuất thực hiện phổ biến phương thức đấu giá “quỹ đất công đã giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc”, tạo nguồn vốn ngân sách dồi dào để phát triển kết cấu hạ tầng và sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” để thanh toán các dự án BT.

4/ Đề xuất, trong gói thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, thanh toán bằng “quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng”, và nhà đầu tư dự án BT cũng là nhà đầu tư “dự án khác”, thì phải thực hiện đấu thầu dự án BT, đồng thời đấu thầu “dự án khác” trong cùng cuộc đấu thầu, trong đó có điều kiện nhà đầu tư thực hiện ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật về PPP: Bước ngoặt lớn trong thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng

    Luật về PPP: Bước ngoặt lớn trong thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng

    12:25, 10/07/2020

  • Luật PPP mới ban hành đã lo bị chồng lấn

    Luật PPP mới ban hành đã lo bị chồng lấn

    11:20, 25/06/2020

  • Luật về PPP: Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng

    Luật về PPP: Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng

    04:30, 22/06/2020

  • Chuyển 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công: Quốc hội đồng ý bổ sung vốn 23.461 tỉ đồng

    Chuyển 3 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công: Quốc hội đồng ý bổ sung vốn 23.461 tỉ đồng

    09:50, 19/06/2020

  • Thông qua Luật về PPP: Chia sẻ biên độ tăng, giảm doanh thu mức 25%

    Thông qua Luật về PPP: Chia sẻ biên độ tăng, giảm doanh thu mức 25%

    14:45, 18/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HOREA đề xuất “khai tử” tạm thời các dự án BT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO