Hà Nội: Tạm dừng quy hoạch khu chung cư cũ Giảng Võ
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo 461/TB-VP kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo TP về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn TP và tại khu chung cư cũ Giảng Võ.
Tập thể lãnh đạo UBND TP đánh giá, công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP trong nhiều năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP tích cực chỉ đạo. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.
Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn TP giao, trong đó có khu chung cư cũ Giảng Võ, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.
Việc nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ sẽ được xem xét sau khi có chỉ đạo của Thành ủy, các quy hoạch phân khu đô thị khu vực nội đô được cấp thẩm quyền phê duyệt và theo quy định pháp luật hiện hành.
Hàng loạt "ông lớn" góp mặt
Trước đó, tại văn bản số 5621 của UBND TP Hà Nội có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500. Trong đó, phải kể đến các "ông lớn" như: Sun Group, FLC, Geleximco, Tập đoàn T&T,
Sun Group làm 3 khu tập thể: Khu tập thể Kim Liên với 42 nhà cao từ 2-6 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Bắc với 61 nhà cao 5 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Nam với 8 nhà cao từ 3-5 tầng.
Tập đoàn FLC với khu tập thể Kim Giang, với số lượng 68 nhà cao 2-5 tầng; Tập đoàn T&T với hai khu thuộc Tập thể Bách Khoa với 29 nhà cao 2-5 tầng và Tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2-5 tầng; Cty Cổ phần XNK Tổng hợp Hà Nội (Geleximco): Khu tập thể Khương Thượng với diện tích 14,8ha, 30 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng...
Nhìn vào danh sách những chung cư cũ được các doanh nghiệp lớn lựa chọn cải tạo, thấy rằng đa số đều ở những vị trí đắc địa, thuận lợi, “đất vàng” như chung cư cũ khu tập thể Kim Liên, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam; khu tập thể Kim Giang, khu tập thể Đại học Bách Khoa, Đại học Thủy lợi; khu tập thể Khương Đình, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thổ Quan; khu tập thể Đường Sắt, Tân Mai, thuốc lá Thăng Long…
Tuy nhiên, vào đầu năm nay, UBND TP Hà Nội đã thông báo chấm dứt nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao (Decotech) tại khu tập thể Nam Thành Công (quận Đống Đa) do đơn vị này thực hiện chậm tiến độ theo yêu cầu của UBND thành phố và quá thời hạn nhà đầu tư cam kết.
Vẫn nhiều khó khăn
Để gỡ khó, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định 7020/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của UBND thành phố; hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Dương Tất Khiêm - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 1 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - HUD) cho biết, các nhà đầu tư thực hiện dự án dưới góc nhìn của người kinh doanh, tức là tính toán chuyện lãi, lỗ.
Tuy nhiên, các chung cư cũ ở Hà Nội đa số ở những vị trí hạn chế xây dựng cao tầng. Trong khi đó, sau khi xây lại chung cư, doanh nghiệp phải trả cho mỗi hộ dân cũ một căn hộ, số còn lại mới được bán thương mại. Với việc hạn chế độ cao, số lượng chung cư bán thương mại không nhiều chắc chắn ảnh hưởng đến doanh thu doanh nghiệp. Như vậy, bài toán lợi nhuận với doanh nghiệp là không đảm bảo nếu làm theo quy định về độ cao được phép xây dựng.
Ngoài ra, một khó khăn khác của nhà đầu tư khi thực hiện cải tạo chung cư cũ là việc đàm phán với người dân. Theo ông Khiêm, việc này rất tốn công sức của doanh nghiệp, do người dân mỗi người một ý kiến, đồng thời trong số đó có nhiều người đòi hỏi lợi ích quá cao, khiến việc thỏa thuận khó khăn.
“Để tạo sự đồng thuận của tất cả cư dân ở một chung cư cũ không hề dễ dàng. Chỉ cần 5-7 hộ không đồng ý thôi đã có thể khiến dự án bị đình trệ, chậm trễ” - ông Khiêm cho biết.
Mới đây, Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được chủ động quyết định điều chỉnh tầng cao công trình trong khu vực nội đô, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị, để cải tạo xây mới nhà chung cư cũ, chỉ cần trên 70% chủ sở hữu đồng ý; những chủ sở hữu còn lại sẽ có chế tài nếu không đồng ý phá dỡ. |
Có thể bạn quan tâm