Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xử lý phản ánh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở.
Cụ thể, tại công văn số 9496/VPCP-CN Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Xây dựng nêu rõ: Ngày 27/10/2020, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp có bài viết “Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở mang tính hình thức” phản ánh: Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của địa phương có tính hình thức, không sát với thực tế thị trường.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xử lý.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh, Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm của địa phương có tính hình thức, không sát với thực tế nền kinh tế thị trường. Cần thiết phải “điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở” nhằm góp phần đảm bảo sự thống nhất giữa Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (sửa đối) với Luật Nhà ở 2014, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.
Cụ thể, quy định về lập Kế hoạch phát triển nhà ở chỉ đúng đối với trường hợp phát triển các dự án nhà ở thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Luật Đầu tư công, như các dự án nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư nhưng không đúng đối với hoạt động phát triển các dự án nhà ở thương mại thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước thì nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Do vậy, Nhà nước chỉ cần định hướng hoạt động đầu tư kinh doanh của khu vực tư nhân (trong đó có các dự án nhà ở thương mại, dự án kinh doanh bất động sản), thông qua các công cụ về quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch đô thị; Chiến lược và Chương trình phát triển nhà ở. Đồng thời, sử dụng các công cụ về thuế, về tín dụng… để điều tiết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản và các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án kinh doanh bất động sản.
Căn cứ các quy hoạch, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (tự tạo lập quỹ đất dự án phổ biến thông qua phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai) và đề xuất dự án nhà ở.
Do vậy, không thể “tư duy cũ theo kiểu lập kế hoạch tập trung như trước đây” đối với hoạt động phát triển nhà ở thương mại 05 năm và hàng năm, yêu cầu UBND cấp tỉnh phải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 05 năm trên địa bàn bao gồm kế hoạch phát triển nhà ở thương mại, bao gồm chi tiết “số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở cần đầu tư xây dựng, trong đó nêu rõ kế hoạch cho 05 năm và hàng năm; Tỷ lệ các loại nhà ở (nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư) cần đầu tư xây dựng”, kể cả “nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó cần lập Kế hoạch phát triển nhà ở có các nội dung như “Quy hoạch phân khu xác định vị trí, khu vực phát triển nhà ở (bao gồm phát triển nhà ở thương mại)” và chỉ quy định “số lượng dự án” đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ.
Không cần thiết xác định “số lượng dự án nhà ở thương mại” trong Kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm, vì theo quy định pháp luật và trên thực tế nhà đầu tư chỉ có thể được chấp thuận dự án đầu tư nếu dự án nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Quỹ đất nhà ở xã hội "bốc hơi": Luật hở, ngân sách nhà nước thất thu
15:00, 13/11/2020
Sắp có nhà ở thương mại dưới 20 triệu đồng/m2
07:30, 12/11/2020
Được cấp phép cải tạo, xây dựng nhà ở nếu dự án sau 3 năm không thực hiện
19:36, 09/11/2020
Bài học từ Hàn Quốc về phát triển nhà ở xã hội
04:00, 08/11/2020
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu giải pháp giải quyết nhà ở thu nhập thấp
10:16, 06/11/2020
Hà Nội cần 90.000 tỷ đồng đầu tư xây mới nhà ở xã hội
12:00, 04/11/2020