Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ IV): Hãy để thị trường quyết định
Dựa trên nền tảng nhà nước kiến tạo và nhu cầu thực tế của thị trường, chính sách cần tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động thì họ sẽ là những “tiền phong” trong giải quyết bài toán nhà ở hiện nay.
LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp cùng các cơ quan, địa phương nghiên cứu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương có tính hình thức, không sát với thực tế nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, những hạn chế đang tồn tại xung quanh câu chuyện giải quyết bài toán nhà ở cho người dân như giá nhà tăng cao, vượt quá mức thu nhập bình quân của người dân, chương trình nhà ở xã hội chưa đạt được kỳ vọng, còn nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang,… đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách nhà ở cũng như kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của các địa phương.
Kế hoạch khá lí thuyết
Theo nhận định của các chuyên gia thì thực tiễn cho thấy quy định về lập kế hoạch phát triển nhà ở chỉ đúng đối với trường hợp phát triển các dự án nhà ở thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo luật Đầu tư công, như các dự án nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhưng chưa hoàn toàn đúng và phù hợp đối với hoạt động phát triển các dự án nhà ở thương mại thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trước Quốc hội cho thấy, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Toàn Cầu (GP. Invest) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chúng ta ngày càng nhấn mạnh yếu tố yếu tố thị trường thì hãy để chính thị trường tự điều tiết cung - cầu. Theo đó, ngoài các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, nhà tái định cư thì cần lập kế hoạch nhưng cũng chỉ nên ở mức định hướng để điều hành chính sách.
Đối với các dự án nhà ở thương mại thì khi quyết định đầu tư một dự án bản thân doanh nghiệp đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống, thậm chí thuê tư vấn nghiên cứu thị trường, nhận thấy có tiềm năng thì họ mới đầu tư, việc một ông chủ nào đó bỏ tiền túi ra để thực hiện một dự án nhà ở thương mại “theo kế hoạch” là khá lý thuyết và duy ý chí.
Nhà nước chỉ nên định hướng chung
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô thì hiện nay trong nền kinh tế mở cửa, hội nhập, doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm miễn là nó phù hợp với các quy định hiện hành cũng như các quy hoạch đang có như quy hoạch sử dụng đất chẳng hạn. Theo đó, bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ có một định hướng, kế hoạch hoạt động riêng của họ trong một khoảng thời gian nhất định, nếu nhận thấy thị trường có nhu cầu doanh nghiệp sẽ lao vào làm.
Thực tế cho thấy thời gian qua, trong khi thị trường bất động sản phát triển tốt, các loại sản phẩm mới như condotel, officetel, shophouse,… ra đời theo nhu cầu của thị trường mà không theo “kế hoạch” nào thì các loại hình nhà ở phát triển “theo kế hoạch” như nhà ở xã hội, nhà tái định cư,… lại vẫn ì ạch, thậm chí có rất ít tiến triển.
Điển hình cho việc này là theo kết quả kiểm toán chương trình NƠXH vừa được Kiểm toán nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 15 dự án NƠXH được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.
Như vậy, có thể thấy việc các địa phương phải lập kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm ít nhiều đang bị các chuyên gia cho là duy ý chí và nặng tính tính hình thức. Sự quản lý của nhà nước nên để doanh nghiệp được chủ động thực hiện các quyền tự do đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Trong vai trò thừa hành chính sách, doanh nghiệp mong muốn nhà nước chỉ nên giữ vai trò định hướng cho thị trường bất động sản, thông qua các công cụ về quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm...
Có thể bạn quan tâm
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ III): Nút thắt phát triển thị trường bất động sản
12:30, 18/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ II): Doanh nghiệp chưa được kinh doanh "chính danh"
11:50, 17/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ I): "Bỏ quên" người lao động
06:30, 16/11/2020
BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 8 - 14/11: Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở không sát thực tế
11:00, 15/11/2020
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở
17:37, 13/11/2020
Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở mang tính hình thức
13:10, 27/10/2020