Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ I): "Bỏ quên" người lao động

LÊ SÁNG 16/11/2020 06:30

Giá nhà thương mại cao, phân khúc nhà ở bình dân “biến mất”, nhà ở xã hội còn thiếu thì việc chung cư mini vẫn “tắc” pháp lý càng khiến nỗi lo an cư của đại bộ phận người lao động thêm lớn.

LTS: Ngày 12/11/2020, Thủ tướng Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xử lý phản ánh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tại bài viết “Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở mang tính hình thức”. Để làm rõ hơn vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ khởi đăng loạt bài về tính hiệu quả của chính sách nhà ở cũng như kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của các địa phương. 

Công văn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng xử lý phản ánh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng xử lý phản ánh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở

Chật vật mua nhà

Anh Kiên, quê ở Nam Định đang công tác tại Hà Nội cho biết, vợ chồng anh đã mấy tháng nay chật vật tìm nhà mà vẫn chưa có kết quả. Theo anh Kiên, 5 năm trước, khi mới lập gia đình, điều kiện kinh tế chưa cho phép nên vợ chồng anh đã quyết định mua một căn chung cư mini ở Xã Đàn (Đống Đa-Hà Nội) với giá gần 700 triệu đồng. Đến nay khi đã có con, hai vợ chồng tích cóp được hơn 300 triệu, vợ chồng dự tính sẽ bán căn chung cư mini đang ở đi cộng với vay ngân hàng để mua trả góp một căn chung cư có diện tích rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, trong khi làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội 2 lần mà chưa được, tìm hiểu một số dự án thương mại đều báo giá trên 30 triệu/m2 thì vợ chồng anh lại “mắc cạn” vì rao bán căn chung cư mini đã mấy tháng, chấp nhận giảm giá nhưng vẫn chưa thể bán được do ngoài hợp đồng mua bán với chủ nhà thì không có “giấy hay sổ” gì nữa.

Trường hợp của anh Kiên cũng không phải là hiếm tại Hà Nội nói riêng cũng như tại các đô thị lớn nói chung. Trong khi mô hình chung cư mini được cho là xuất phát từ nhu cầu có thật về nhà ở giá thấp, bình dân (bên cạnh loại hình nhà trọ) thì vẫn “ngoài vòng” pháp luật.

Tại Hà Nội, chung cư mini được xem là loại hình căn hộ chung cư do cá nhân, tư nhân xây dựng xuất phát từ nhu cầu về nhà ở. Thực tế tại các chung cư mini hiện nay, chỉ có sổ đỏ đứng tên chủ mảnh đất đã đứng ra xây dựng và bán khu nhà đó. Nhiều nơi, người bán vẫn giữ giấy tờ này, còn người mua nhà thì ngoài hợp đồng mua bán nhà không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh quyền sở hữu của mình.

DĐDN đã liên tục thông tin về những hạn chế , tồn tại liên quan đến loại hình chung cư mini cũng như sự vào cuộc xử lý của các cơ quan nhà nước và địa phương

DĐDN đã liên tục đăng tải các bài viết liên quan đến kế hoạch phát triển nhà ở

Chưa sát thực tế

Dù theo quy định tại khoản 2 điều 46 Luật nhà ở 2014 về tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đã cho phép công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà chung cư “mini” đó. Tuy nhiên, trong thực tế do chủ đầu tư của các nhà chung cư mini thường là cá nhân, xây dựng không qua lập dự án nên việc đảm bảo các điều kiện theo quy định để được xem xét, cấp giấy chứng nhận là rất khó.

Chẳng hạn như tại Hà Nội, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với căn hộ chung cư trên địa bạn thành phố Hà Nội đã được hướng dẫn rất chi tiết tại Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 18/12/2015. Tuy nhiên, trong thực tế, các “dự án” chung cư mini thường tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc xây sai phép như xây quá số tầng, chia diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhỏ hơn giấy phép… dẫn đến việc rất ít “dự án” đáp ứng được điều kiện để ra được “sổ đỏ”. Điều này sẽ khiến người mua chung cư mini phải đối mặt với rủi ro về tính pháp lý của căn hộ cũng như khó khăn trong việc bán, chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp căn hộ về sau.

Trước thực trạng trên, vừa qua Bộ Xây dựng cũng như các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh đã có những động thái quyết liệt nhằm chấn chỉnh loại hình chung cư mini mọc lên tràn lan, không phép. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề này cũng một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách nhà ở cũng như kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm của các địa phương.

"Liệu các chính sách nhà ở hiện tại đã sát với thực tế, giải quyết những nhu cầu có thật về giá ở giá rẻ, bình dân cho đại bộ phận người lao động chưa?; Liệu việc an cư sẽ còn là giấc mơ xã vời với người lao động đến bao giờ?... sẽ là những câu hỏi lớn tiếp tục được đặt ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới" - một chuyên gia nhấn mạnh.

Kỳ II: Giải pháp an cư cho người lao động

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở

    Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở

    17:37, 13/11/2020

  • BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 8 - 14/11: Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở không sát thực tế

    BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 8 - 14/11: Quy định lập kế hoạch phát triển nhà ở không sát thực tế

    11:00, 15/11/2020

  • TP.HCM đồng loạt kiểm tra việc mua bán nhà ở xã hội

    TP.HCM đồng loạt kiểm tra việc mua bán nhà ở xã hội

    06:00, 14/11/2020

  • Quỹ đất nhà ở xã hội

    Quỹ đất nhà ở xã hội "bốc hơi": Luật hở, ngân sách nhà nước thất thu

    15:00, 13/11/2020

  • TP HCM: Kiểm tra việc một người mua 2 căn nhà ở xã hội

    TP HCM: Kiểm tra việc một người mua 2 căn nhà ở xã hội

    04:16, 13/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ I): "Bỏ quên" người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO