Cuộc "đại di cư" chuỗi cung ứng toàn cầu: Nhà đầu tư chờ kết quả bầu cử Mỹ

DIỆU HOA 20/11/2020 05:00

Các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ để có các bước đi phù hợp.

Đây là lúc các doanh nghiệp cần nghiên cứu và đa dạng hóa mô hình phát triển khu công nghiệp

Theo nhận định từ Ban lãnh đạo bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Colliers International, việc các Tập đoàn đa quốc gia tiếp tục áp dụng chiến lược “reshoring” hoặc “Trung Quốc + 1” sau chiến thắng của Trump sẽ thúc đẩy nhu cầu về không gian văn phòng và sở hữu bất động sản công nghiệp ở các quốc gia như: Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan.

Trường hợp ông Biden thắng, nhu cầu không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước mà cả các Tập đoàn đa quốc gia nước ngoài sẽ tiếp tục thúc đẩy việc “chiếm lĩnh” văn phòng và không gian công nghiệp ở Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh các thành phố cấp 1. Triển vọng tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Trong khi đó, báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam của CBRE chỉ ra rằng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đang bị gián đoạn do cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, chính quyền Biden dự kiến sẽ có những thay đổi mạnh về chính sách kinh tế như giảm căng thẳng với Trung Quốc và tái gia nhập CPTPP. 

"Theo như trao đổi với một số các công ty quan tâm đến việc dịch chuyển sang Việt Nam, các nhà đầu tư đang chờ đợi để xác định chính sách của Mỹ dưới thời tân tổng thống để có các bước đi phù hợp"- chuyên gia CBRE Việt Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Hiếu - Giám Đốc Bộ phận Tư vấn, Cho thuê văn phòng & khu công nghiệp CBRE Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các Tập đoàn đa quốc gia muốn mở rộng cơ sở sản xuất.

Ông Hiếu cho biết, có 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi. Một là, mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu. Hai là, chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài mới trong lĩnh vực kho vận sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Ba là, chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ mua lại các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu. Để đáp ứng xu hướng trên, chính quyền địa phương cần hoàn thiện quy hoạch trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thế mạnh của địa phương, đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Chuyên gia CBRE Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam rút ra được các bài học kinh nghiệm từ hơn 30 năm phát triển công nghiệp tại các tỉnh ven biển của các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan. Các ngành chính được ưu tiên thu hút đầu tư tại hai quốc gia này phải kể đến như hóa chất thô, dược phẩm, máy móc, phụ trợ ô tô và điện tử. 

Ngoài ra, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển luôn có nhu cầu đầu tư rất lớn và duy trì được mức giá và tỷ lệ lấp đầy vượt trội. Các khu vực ven biển của Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến xu hướng tương tự, đón nhận thêm nhiều như cầu đầu tư từ cả doanh nghiêp trong nước mở rộng sản xuất lẫn các tập đoàn đa quốc gia.

Các tỉnh ven biển Việt Nam đã và đang tận dụng những tiềm lực sẵn có để phát triển nền công nghiệp

Các tỉnh ven biển Việt Nam đã và đang tận dụng những tiềm lực sẵn có để phát triển nền công nghiệp. So với quỹ đất tại các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng và Quảng Ninh còn nhiều quỹ đất phát triển công nghiệp. 

Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam với các dự án công nghiệp trọng điểm như DEEP C Hải Phòng II và III và các khu công nghiệp mới của Vinhomes. Tính đến Q3/2020, Hải Phòng hiện có mức lấp đầy trung bình khoảng 56%.

Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ cung cấp thêm một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong tương lai, với hai Khu Kinh Tế (KKT) Quảng Yên và Vân Đồn, trong đó KKT ven biển Quảng Yên được định hướng trở thành động lực tăng trưởng mới thúc đẩy hút đầu tư cho Quảng Ninh. DEEP C, một trong những chủ đầu tư khu công nghiệp lớn đang xây dựng tổ hợp khu công nghiệp gắn liền với cảng biển tại KKT Quảng Yên để khai thác lợi thế địa lý và tận dụng luồng hàng hải đến cảng Lạch Huyện.

Các chuyên gia cho rằng, đây là lúc doanh nghiệp cần nghiên cứu và đa dạng hóa mô hình như phát triển khu công nghiệp sinh thái, liên kết ngành, hỗ trợ, chuyên sâu, kết hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ để phát triển đồng bộ, tạo môi trường sống, làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động. Đồng thời bên cạnh chính sách hỗ trợ, cần giám sát việc phát triển khu công nghiệp theo quy hoạch, tránh hiện tượng phát triển theo phong trào.

Có thể bạn quan tâm

  • Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp Việt Nam

    Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp Việt Nam

    05:00, 19/11/2020

  • Nguy và cơ nhà đầu tư Trung Quốc

    Nguy và cơ nhà đầu tư Trung Quốc "đổ bộ" các khu công nghiệp Việt Nam

    05:00, 18/11/2020

  • "Bùng nổ" nguồn cung bất động sản công nghiệp

    12:21, 12/11/2020

  • Bất động sản công nghiệp “bấp bênh” vì COVID-19

    Bất động sản công nghiệp “bấp bênh” vì COVID-19

    05:30, 04/11/2020

DIỆU HOA