Hiệu quả chính sách phát triển nhà ở quốc gia (KỲ IV): Mọi công dân đều có quyền có chỗ ở
Các chính sách phát triển nhà ở hiện tại đã sát thực tế, giải quyết nhu cầu có thật về nhà ở giá rẻ cho người lao động chưa? Việc an cư sẽ còn là giấc mơ xa vời với người lao động đến bao giờ?...
Đây là những câu hỏi lớn tiếp tục được đặt ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới.
Ưu đãi nằm trên giấy
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở. Nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở đã được triển khai như: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, Chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình tôn nền vượt lũ và nhà ở Đồng bằng sông Cửu Long, các phong trào xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương...
Tại khu vực đô thị, một số chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng học sinh, sinh viên, nhà ở cho công nhân làm việc lại các khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng đã được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở ngày càng tăng của người dân đô thị.
Tuy nhiên, trên thực tế, điều kiện về nhà ở của một bộ phận người lao động ở cả khu vực đô thị và nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện có hàng triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp cũng như sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chưa có chỗ ở ổn định, phải thuê chỗ ở trong các khu nhà trọ chật chội, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, môi trường sống không đảm bảo điều kiện tối thiểu. Các đối tượng thuộc diện có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ và người lao động thuộc các thành phần kinh tế, người nghèo tại khu vực đô thị... cũng còn nhiều người có khó khăn về nhà ở.
Từ năm 2009 đến nay, mặc dù các cấp các ngành và bản thân các đối tượng trong diện nhà ở xã hội đã có nhiều cố gắng, từ chính sách thuê mua nhà trả chậm, đến việc áp dụng các gói hỗ trợ cho người lao động mua nhà xã hội hay các tổ chức tín dụng dành các khoản tín dụng rất lớn để hỗ trợ trực tiếp cho người có nhu cầu mua nhà… nhưng kết quả chưa được như mong muốn do có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho các đối tượng có thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, công nhân khu công nghiệp hầu như mới dừng lại ở việc cho phép miễn tiền sử dụng đất; việc vay vốn ưu đãi còn hạn chế; việc hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa được quy định rõ ràng, cụ thể; chưa có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động có trách nhiệm trong việc giải quyết nhà ở cho công nhân.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2. Ngoài ra đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219 nghìn căn hộ. Kết quả đạt được nêu trên rất đáng ghi nhận nhưng còn thấp so với kế hoạch, mới đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).
Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập; Nguồn vốn ngân sách bố trí hỗ trợ, lãi suất chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để cho phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, chưa thực hiện quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nếu vẫn sử dụng các phương thức tạo lập nhà ở cũ sẽ khó đạt được mục tiêu ổn định xã hội và nâng cao đời sống của người lao động.
Chiến lược hành động
Mới đây, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Mục tiêu tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo.
Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ thực hiện một số giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn. Thứ nhất, rà soát bổ sung hoàn chỉnh các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 tại các đô thị để tạo điều kiên phê duyệt dự án, cấp phép dự án nhà ở xã hội.
Thứ hai, các địa phương tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ đất cho phát triển nhà ở xã hội; bố trí nguồn lực hợp lý để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án theo quy định, đồng thời quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh... Có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội đảm bảo đồng bộ, thống nhất để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh việc sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP để tạo các cơ chế chính sách đột phá hơn, thuận lợi cho doanh nghiệp để tạo các cơ hội thuận hơn cho người dân để mua được nhà ở xã hội. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để có chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở giá thấp có diện tích nhà ở hơn 70m2 và giá bán phù hợp.
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ xác định lại nhiệm vụ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong việc lo nhà cho công dân trên địa bàn theo hướng huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ vốn đầu tư ngoài xã hội đảm bảo chính sách nhà.
Trong đó đối với doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà xã hội phải đảm bảo lợi nhuận thu được từ cho thuê nhà ở đủ trang trải cho việc bảo trì, hoàn vốn, và có một phần lãi nhất định đối với khoản vốn đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra.
Đối với chính quyền địa phương, việc bỏ ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng nhà ở và quản lý nhà sau khi cho thuê là một nguồn ngân sách cố định trong các danh mục chi hàng năm của chính quyền địa phương, đảm bảo đúng nguyên tắc không làm giảm tài sản của chính quyền địa phương khi thực hiện chính sách nhà xã hội./.
Có thể bạn quan tâm
Hiệu quả chính sách phát triển nhà ở quốc gia (KỲ I): Chiến lược phát triển nhà ở “tụt dốc”
12:20, 23/02/2021
Hiệu quả chính sách phát triển nhà ở quốc gia (KỲ III): Hãy để thị trường quyết định
14:20, 23/02/2021
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ V): Thị trường “lệch pha” vì thủ tục
06:30, 20/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ IV): Hãy để thị trường quyết định
10:00, 19/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ III): Nút thắt phát triển thị trường bất động sản
12:30, 18/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ II): Doanh nghiệp chưa được kinh doanh "chính danh"
11:50, 17/11/2020