Mặc dù đã có quỹ đất sạch 100%, nhưng không ít dự án nhà ở tại TP HCM không thể triển khai vì không nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở của TP.
LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp cùng các cơ quan, địa phương nghiên cứu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương có tính hình thức, không sát với thực tế nền kinh tế.
Sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp có loạt bài về Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế, doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land đã có những phản hồi.
Cách đây nhiều năm đã có không ít dự án nhà ở TP HCM được chủ đầu tư đề xuất phát triển, thời điểm này chủ đầu tư đã có quỹ đất sạch 100%, dự án được phê duyệt quy hoạch 1/500, đồng thời triển khai các hạng mục hạ tầng, cảnh quan.
Tuy nhiên, sau thời gian dài gần như xong thủ tục dự án lại bị buộc dừng vì không có trong danh mục các dự án thuộc Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020. Chủ đầu tư được yêu cầu làm lại từ bước hộp hồ sơ tại Sở KH&ĐT để xin chủ trương đầu tư. Xem như đi một vòng rồi phải làm lại từ đầu, dự án từ đó mà phải dừng, bỏ lỡ thời điểm ra mắt thị trường.
Trong khi đó, nhiều dự án đã được đưa vào danh mục nhưng chủ đầu tư có lý do nào đó không thể triển khai tiếp nhưng không thể để các dự án đã đủ thủ tục thay thế.
Thực tế, nhà đầu tư khi đầu tư dự án nhà ở đều phải căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở của địa phương, tuy nhiên cần phải có sự linh động hơn, tùy thuộc vào nhu cầu nhà ở của từng thời điểm.
Bất động sản luôn có độ trễ về quy trình pháp lý, thời gian hoàn tất thủ tục của một dự án kéo dài 3 - 5 năm, có những dự án như khu đô thị, thời gian triển khai kéo dài hàng chục năm. Do đó, khi doanh nghiệp quyết định đầu tư một dự án phải căn cứ trên cơ sở về các chiến lược phát triển chung của TP, nhưng khi đi vào triển khai thực tế thì phải dựa vào nhu cầu của thị trường nhằm đảm bảo tính hiệu của của việc triển khai kinh doanh.
Về mặt quan điểm chung thì TP có cơ sở để thành phố đưa ra các định hướng như vậy nhưng khi triển khai cần có sự linh động, độ trễ của việc triển khai thủ tục pháp lý các dự án sẽ dẫn đến sau khi hoàn thành thủ tục, dự án không còn khớp với kế hoạch phát triển chung của thành phố. Đấy là một trong những yếu tố thể hiện rằng Kế hoạch phát triển nhà ở còn mang tính hình thức.
Bên cạnh đó, việc quy định rõ số lượng dự án trong kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm dường như đang mang nặng tính nặng nề về thủ tục, không có sự chủ động trong đầu tư và phát triển dự án. TP đưa ra chiến lược phát triển nhà ở nhưng việc đầu tư ấy không đảm bảo hiệu quả thì việc triển khai không thực thi được. Nên cuối cùng, bài toán chung quy lại vẫn là tính hiệu quả của thủ tục và đưa sản phẩm ra thị trường, nếu thị trường hấp thu được thì bài toán phát triển đề án của doanh nghiệp.
Theo đó, nên xem xét để giảm tải, rút ngắn thủ tục đầu tư dự án. Việc này đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ kinh doanh, đồng thời rút ngắn được khoảng cách giữa Kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương với chuyển động của thị trường. Thành phố chỉ nên kiểm soát chặt như vậy ở các điểm nóng đã quá tải, cân đối lại. Còn những khu vực mới cần thu hút người dân, giãn dân thì phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ IV): Hãy để thị trường quyết định
10:00, 19/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ III): Nút thắt phát triển thị trường bất động sản
12:30, 18/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ II): Doanh nghiệp chưa được kinh doanh "chính danh"
11:50, 17/11/2020
Chính sách phát triển nhà ở chưa sát thực tế (KỲ I): "Bỏ quên" người lao động
06:30, 16/11/2020
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch phát triển nhà ở
17:37, 13/11/2020