KĐT Thanh Hà - Cienco 5: Người dân, doanh nghiệp chịu khổ vì một quyết định
2 năm trôi qua, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn chưa thẩm định xong thiết kế cơ sở, hàng nghìn tỷ đầu tư của doanh nghiệp và khách hàng đang "mắc kẹt" tại KĐT Thanh Hà - Cienco 5 vẫn nằm chờ “giải cứu".
Tuyến đường đã đi vào sử dụng
Dự án KĐT Thanh Hà - Cienco 5 có tổng diện tích gần 400ha (Thanh Hà A 195,51ha, Thanh Hà B 193,22ha) vốn là đất đối ứng cho Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, hợp đồng BT ngày 18/4/2008, trên cơ sở ký kết giữa Sở Giao thông Hà Tây với Tổng công ty xây dựng công trình giao. Nhà đầu tư là Tổng công ty Cienco 5 và doanh nghiệp dự án là CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 Land.
Tuyến đường có tổng chiều dài toàn tuyến là 41,5km, bắt đầu khởi công vào năm 2008 giai đoạn 1 với chiều dài 19,9km, giai đoạn 2 có chiều dài 21,6km. Tổng số tiền hoàn vốn cho dự án này tính theo hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 60 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng bàn giao.
Tuy nhiên, công trình trên được thực hiện một cách "ì ạch" cho đến năm 2016, sau khi nhà đầu tư là Tổng Công ty Cienco 5 cổ phần hóa, dự án mới bắt đầu được Cienco 5 Land tập trung nguồn lực cơ bản để hòa thành giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Theo báo cáo của Cienco 5 Land, kinh phí giải phóng mặt bằng đến nay khoảng hơn 2.300 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 của Trục đường phía Nam đã được xây dựng 19,9km, trừ 140m chưa được giải phóng mặt bằng do vướng mắc vào việc giao đất trái thẩm quyền. Chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng 9,3 km.
Bên cạnh đó, Cienco 5 Land cho biết công ty này đã thanh toán 100% khoản lợi nhuận khoán và các chi phí đầu tư ban đầu (theo Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HD nêu trên) cho Tổng công ty công trình giao thông 5 - CTCP.
Khách hàng chôn vốn
Thế nhưng, trái với đoạn đường huyết mạch khang trang đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nay, theo phản ánh của người dân mua đất tại đây cũng như doanh nghiệp dự án, nhiều năm nay không thể thực hiện được gì vì một quyết định phi lý của Sở Xây dựng TP Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù được khởi công từ năm 2009, thế nhưng trong suốt 8 năm, dự án này gần như bị đắp chiếu, hoang hóa, biến thành nơi chăn bò. Đến tháng 4/2016, Tập đoàn Mường Thanh công bố mua lại 95% cổ phần của chủ đầu tư Cienco 5 Land, theo đó, Mường Thanh cũng đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để hồi sinh KĐT Thanh Hà - Cienco 5. Các khu nhà ở giá rẻ được xây dựng, đưa vào sử dụng, hạ tầng nội khu gần như đã hoàn thiện hết.
Tuy nhiên, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện chủ đầu tư Cienco 5 Land cho biết, tháng 7/2016, khi dự án đang được xây dựng móng tại phần liền kề 13 (diện tích 1.500m2) và lô liền kề 14 (hơn 2.200 m2), dự án đã bị Đội Thanh tra xây dựng quận Hà Đông yêu cầu ngừng thi công vì lý do công trình chưa có giấy phép xây dựng.
Tiếp đó, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định số 5269, yêu cầu Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở cho khu thấp tầng. “Thực tế, dự án KĐT Thanh Hà – Cienco 5 là dự án đô thị loại I, vốn dĩ được miễn giấy phép xây dựng. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã ký văn bản thẩm định thiết kế, duy chỉ có bản vẽ thẩm định thiết kế cơ sở, do đó 2 năm qua dự án không được xây dựng” – Chủ đầu tư Cienco 5 Land cho biết.
Vị này cũng chia sẻ thêm đã nhiều lần liên lạc với ông Đồng Xuân An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội để tìm hiểu lý do vì sao Sở không giao văn bản thẩm định cho người dân xây dựng thì được trả lời rằng dự án đang có tranh chấp để làm lại quy hoạch nên chưa thể thẩm định được.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, chị Hồng Nguyễn ( Hoàn Kiếm - Hà Nội), một khách hàng tại dự án này chia sẻ, cách đây 2 năm, chị đã phải bán cả căn nhà trên phố cổ, vay mượn thêm để mua được lô đất ở Thanh Hà - Cienco 5 để xây nhà. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng mua bán, nhận bàn giao đất thì gia đình nhận được thông tin dự án bị dừng, người dân không được xây dựng nữa.
"Nhà đang ở thì đã bán, phải đi thuê nhà, tiền vay ngân hàng vẫn phải trả lãi hàng tháng trong khi đất để hoang, từ việc chọn một nơi ở mới khang trang hơn thì gia đình lại bị đẩy vào cảnh thiếu nợ" - chị Hồng chia sẻ.
Một khách hàng khác tại đây cũng cho biết ngôi nhà đang xây dở thì gia đình bất ngờ nhận được thông báo do vướng mắc trong công tác thẩm định và điều chỉnh quy hoạch, công tác xây dựng không được thực hiện. 2 năm nay ngôi nhà thô phơi sương nắng, hoen ố như nhà hoang, toàn bộ tài sản “chôn vùi” theo dự án.
Theo đó, khách hàng dự án KĐT Thanh Hà – Cienco 5 đề nghị cơ quan chức năng sớm tạo điều kiện giải quyết vướng mắc, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để người dân yên tâm đầu tư xây dựng, ổn định cuộc sống. Không để đất hoang gây lãng phí tài nguyên, tổn hại kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: Quyết định giao đất cho Cienco 5 Land là đúng luật
05:00, 10/12/2020
Cienco 5 Land được giao đất đúng quy định pháp luật
21:27, 08/12/2020
Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho doanh nghiệp: Một quyết định “sửa” đúng thành sai
11:20, 11/12/2020
Hà Nội thay đổi quyết định giao đất sau 12 năm: Hồi tố có đúng pháp luật?
16:00, 04/12/2020