Khơi thông sông Cổ Cò: Tiềm năng phát triển du lịch, bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng
Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi nhắc đến tiềm năng sau khi sông Cổ Cò được khơi thông.
Phát biểu tại hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, bất cứ động thái nào của dòng sông này đều tạo cảm hứng đối với tất cả mọi người, dòng sông Cổ Cò tuy ngắn nhưng mang rất nhiều ý nghĩa về lịch sử - văn hoá, tự nhiên và môi trường.
Hoài niệm, ông Lê Trí Thanh cho biết: “Từ khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đặt vấn đề nghiên cứu phải làm sao khôi phục lại dòng sông Cổ Cò vào năm 1994. Vào thời điểm đó, chỉ mang ý nghĩa khơi thông một dòng sông, chứ không nghĩ rằng sau này dòng sông này có tác dụng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường, lịch sử như ngày hôm nay”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tin tưởng “Dự án nạo vét sông Cổ Cò thành công sẽ biến sông Cổ Cò là một trong những con sông đẹp nhất của Việt Nam, sẽ kết nối giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là khu đô thị Điện Nam, Điện Ngọc. Khơi thông dòng sông sẽ hình thành đô thị mở rộng Hội An về phía Bắc và mở rộng của Đà Nẵng về phía Nam sẽ làm đa dạng và phong phú hơn”.
Cũng tại hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường bày tỏ quan điểm: “Ở nhiều quốc gia, giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra được thu bằng các sắc thuế phù hợp. Rất tiếc là Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đều có quy định mang tính nguyên tắc là “Nhà nước thu lại giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra”, nhưng quy định này hoàn toàn không có biện pháp để thực hiện".
Do đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định: “Giải pháp hiện có thể sử dụng chỉ là động viên sự đóng góp tự nguyện. Phần kinh phí còn thiếu để thực hiện dự án, các địa phương có thể vay của Quỹ phát triển đất và từ Kho bạc nhà nước. Các khoản thu từ đất với giá trị đất đai cao hơn sau khi dự án hoàn thành sẽ trả lại các khoản đã vay”.
Vì vậy, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Kinh phí thực hiện dự án khơi thông sông Cổ Cò hoàn toàn có thể lấy từ giá trị đất đai tăng thêm trong tương lai”.
Trước đó, đầu tháng 12/2020, chính quyền Tp Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đồng thuận phát lệnh thi công nạo vét sông Cổ Cò từ đây, tuyến sông có chiều dài hơn 14km từ thành phố Hội An đến phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) kết nối Nam Đà Nẵng chính thức mở ra nhiều cơ hội đầu tư phát triển du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng được người dân và doanh nghiệp nơi đây kỳ vọng.
Theo đó, việc nạo vét đầu tư thi công nạo vét luồng sông Cổ Cò với bề rộng đáy luồng 40m, bề mặt luồng từ 60 - 90m, độ sâu mực nước hơn 2,3m... có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh Quảng Nam – là công trình giao thông cấp 2 để thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn với tổng vốn đầu tư được phê duyệt lên đến 850 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
“Khơi dậy” đô thị ven sông Cổ Cò
06:00, 22/02/2020
Quảng Nam và VNPT thúc đẩy chuyển đổi số
05:30, 07/01/2021
Quảng Nam: Xe "có ngọn" cày nát đường quê
05:25, 06/01/2021
Nông dân Quảng Nam “méo mặt” vì vụ quất cảnh thất thu
04:00, 01/01/2021
Tam Hải (Quảng Nam): Bờ biển lại bị sóng "ngoặm" sâu
08:11, 24/12/2020