“Quỹ đạo định mệnh” của Phú Quốc
Phú Quốc đã bị chậm một nhịp quan trọng trong nỗ lực trở thành đặc khu hành chính kinh tế nhưng điều đó không làm thay đổi “quỹ đạo định mệnh” của Phú Quốc.
Tại hội thảo "Phú Quốc: Đón vận hội – Dẫn lối thành công", PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Phú Quốc đã bị chậm một nhịp trong nỗ lực trở thành một Trung tâm phát triển khi không được chấp nhận hưởng quy chế Đặc khu Hành chính – Kinh tế cấp quốc gia. Đó thực sự là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi xu thế và quỹ đạo phát triển gần như là định mệnh của Phú Quốc.
Toạ độ hội tụ sức mạnh
Cụ thể, theo ông Thiên, không giống bất cứ địa chỉ đô thị hóa nào, Phú Quốc không đi theo lộ trình đô thị hóa tuần tự mà được “đặc cách” vượt cấp – nhảy vọt: Từ huyện đảo với đô thị cấp thị trấn “tiến thẳng” lên đô thị loại 2 (năm 2014), và vừa mới đây, tháng 12/2020, được công nhân là Thành phố trực thuộc tỉnh. Nhờ vào vị thế đặc biệt, Thành phố trẻ Phú Quốc có thêm danh hiệu - Thành phố đảo, khẳng định tính chức năng – đặc thù chưa từng có của một đô thị ở Việt Nam.
Sự công nhận đẳng cấp – loại hình đô thị cho Phú Quốc theo cách tiến vượt như vậy là đặc biệt có ý nghĩa. Nó xác nhận logic tất yếu - phải phát triển Phú Quốc tiến nhanh lên đẳng cấp cao để đáp ứng các nhu cầu rất đặc biệt dành cho đảo Ngọc; nó xác nhận sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và của cả nước đối với vận mệnh phát triển của Phú Quốc – có sứ mệnh quốc gia và mang chức năng quốc tế trong quá trình phát triển.
Việc chấp nhận logic “đô thị hóa tiến vượt” của Phú Quốc hàm nghĩa sự cam kết quốc gia trong việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi để Phú Quốc phát triển nhanh đúng tầm. Điều này cực kỳ có ý nghĩa đối với tương lai của Phú Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện đại, một tổ hợp tình huống phát triển kỳ lạ, bất thường, rất phức tạp với đại dịch Covid-19, xu thế kinh tế số - công nghệ cao, xung đột quốc tế và biến đổi khí hậu. Thực hiện cam kết đó với Phú Quốc cũng có nghĩa là xác nhận khát vọng và tầm nhìn phát triển tương lai của Việt Nam.
Sự kết hợp các yếu tố đang cung cấp cho Phú Quốc, cho tỉnh Kiên Giang một động lực mạnh để đẩy nhanh quá trình thực hiện logic phát triển tiến vượt của Thành phố Đảo này.
"Thực ra, việc vượt qua logic tuần tự trong quy trình công nhận “chức danh đô thị hóa” đối với Phú Quốc – điều hình như chưa từng xẩy ra với bất kỳ đô thị nào ở Việt Nam – không phải là một sự kiện gây “sốc”. Nó không phải là kết quả của nỗ lực phấn đấu “cố lấy được” một danh hiệu đô thị theo cách “vay mượn” các chỉ tiêu bắt buộc phải có nhưng chưa có. Trên thực tế, Phú Quốc đã tạo đủ, thậm chí vượt trước về thời gian, các điều kiện để đạt chuẩn đô thị cấp 2. Thậm chí hơn thế, Phú Quốc đã có dáng vẻ với đầy đủ nội hàm của một Thành phố biển hiện đại, đẳng cấp quốc tế, ngay khi vẫn còn là một huyện đảo" - ông Thiên cho biết.
Tuy nhiên, ông Thiên cũng nhấn mạnh, là Thành phố đảo non trẻ, dù đã hấp dẫn được một lượng đầu tư lớn và lôi kéo được nhiều tập đoàn và doanh nghiệp có tư chất “đại bàng”, Phú Quốc vẫn cần nhiều sự hỗ trợ để chuyển hóa được lợi thế tự nhiên và sức mạnh đầu tư thành lợi ích phát triển thực tế - lợi ích của việc thỏa mãn nhu cầu khám phá và tận hưởng cuộc sống tốt đẹp của hàng triệu người trên thế giới, thành sức cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ quốc tế.
Nhấn mạnh không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo hiện đại đã định hình và phát triển mạnh mẽ ở Phú Quốc, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ví dụ điển hình về cụm đô thị phía Nam đảo gắn với hàng loạt công trình lộng lẫy và bề thế của Sun Group. Sự có mặt của các “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup … với những cam kết đầu tư và phát triển dài hạn, hướng tới đẳng cấp cao nhất, cộng với uy tín của mình, là điều kiện nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Phú Quốc tiếp tục phát triển vượt trội trong giai đoạn tới.
Phát triển thế 3 “chân kiềng”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung thừa nhận, từ Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 09/11/2005, sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Nhờ các chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư, Phú Quốc đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược, điển hình như Sun Group, Vingroup, BIM group, CEO Group...
Đến nay Phú Quốc có 320 dự án với tổng diện tích gần 11 ngàn ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 340 ngàn tỷ đồng, phần lớn tập trung vào lĩnh vực du lịch. Với sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn, hạ tầng du lịch Phú Quốc không chỉ tăng nhanh về lượng, mà còn tăng mạnh về chất. Từ chỗ “trắng khách sạn” tiêu chuẩn từ 3 sao, hiện Phú Quốc có hơn 22.000 phòng lưu trú, trong đó hơn một nửa đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, nhiều khách sạn đẳng cấp được vận hành bởi các tập đoàn danh tiếng quốc tế.
10 năm trở lại đây, Phú Quốc cũng là một trong những thị trường du lịch biển đảo sôi động nhất cả nước, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP lên đến 38% mỗi năm, gấp 6 lần bình quân cả nước.
Cùng với hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông của Phú Quốc cũng có bước phát triển vượt bậc. Tuyến đường xuyên Bắc - Nam đảo, đường vòng quanh đảo, Cảng hành khách quốc tế đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang được mở rộng. Các chuyến bay thẳng trong, ngoài nước liên tục được mở thời gian qua, đưa du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đảo Ngọc.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Phú Quốc là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển đô thị cụ thể, rõ ràng để khắc phục những tiêu chí còn thiếu, còn yếu; phát triển và khai thác các điểm mạnh để TP Phú Quốc đạt các tiêu chí đô thị loại I vào giai đoạn 2021 – 2025. Với quy mô dân số dự kiến đến 2030 là khoảng 500.000 – 550.000 người, phát triển đô thị bền vững cũng chính là bài toán được đặt ra hiện nay dành cho Phú Quốc. Trong đó, 2 phường Dương Đông và An Thới, đặc biệt là An Thới với nhiều dư địa về quỹ đất (34km2 - gấp hơn 2 lần Dương Đông), cảnh quan thiên nhiên, lợi thế đi sau về quy hoạch được đặt kỳ vọng sẽ trở thành phân khu đô thị kiểu mẫu, nâng tầm diện mạo TP.
Cùng với du lịch, hạ tầng đô thị, lĩnh vực BĐS cũng được các chuyên gia dự báo sẽ bứt tốc sau bước ngoặt Phú Quốc lên TP. Bà Đặng Phương Hằng – Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam khẳng định, mô hình phát triển các hệ sinh thái du lịch “tất cả trong một”, gồm 3 “chân kiềng” du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, BĐS cao cấp phù hợp với định hướng đưa Phú Quốc trở thành thành phố đáng sống, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Do đó, thời gian tới, phân khúc BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục “thăng hoa” ở Phú Quốc, với dư địa phát triển dồi dào ở Nam đảo – trung tâm mới của TP biển đảo.
Có thể bạn quan tâm
“Quỹ đạo định mệnh” của Phú Quốc
09:15, 10/01/2021
Phú Quốc đón “bão” đầu tư khi chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên tại Việt Nam
11:45, 09/01/2021
Phú Quốc chính thức là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam
23:30, 08/01/2021
Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước
20:08, 07/01/2021
“Thành phố không ngủ” Grand World Phú Quốc “hớp hồn” nhà đầu tư phía Bắc
11:05, 05/01/2021