Ngày 8/1, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội về thành lập TP. Phú Quốc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã đến dự.
Thay chiếc áo đã chật
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1109/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo đó, TP. Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyện trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Thành phố Phú Quốc giáp thành phố Hà Tiên, huyện Kiên Lương, vịnh Thái Lan và Camphuchia. Đồng thời, thành lập phường Dương Đông trên cơ sở nguyện trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông; thành lập phường An Thới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới.
Sau khi thành lập, TP. Phú Quốc có 09 đơn vị hành chính cấp xã gồm 02 phường: An Thới, Dương Đông và 07 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu.
Như vậy, Phú Quốc sẽ là Thành phố thứ 3 của tỉnh Kiên Giang, đây cũng là đơn vị cấp tỉnh thứ hai tại khu vực ĐBSCL có 3 thành phố (sau tỉnh Đồng Tháp).
Sau khi thành lập TP. Phú Quốc: tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 12 huyện và 03 thành phố, 144 đơn vị hành chính cấp xã gồm 116 xã, 18 phường, 10 thị trấn.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ công bố thành lập TP. Phú Quốc: Phó thủ trướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chúc mừng Đảng bộ, nhân dân tỉnh Kiên Giang. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng lưu ý: tỉnh Kiên Giang, TP. Phú Quốc cần tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu đô thị, các khu dân cư, tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân; từng bước hướng đến xây dựng TP. Phú Quốc văn minh, hiện đại, hài hòa và thân thiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng phát triển thành phố thông minh, hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền để khắc phục hạn chế, yếu kém bằng các giải pháp hỗ trợ thông minh cho các lĩnh vực như: Quản lý quy hoạch, đất đai, rừng, đô thị, rác thải, nước thải và môi trường, giao thông…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương trong quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn ít nhất phải từ 50 năm trở lên đáp ứng nhu cầu phát triển cho trước mắt và lâu dài; việc sử dụng tài nguyên cần tính toán kỹ lưỡng bảo đảm sử dụng hiệu quả đất đai bố trí quỹ đất cho từng giai đoạn phát triển của Phú Quốc, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển Phú Quốc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hiện đại văn minh cùng với TP Rạch Giá, Hà Tiên là 3 trụ cột phát triển kinh tế cho tỉnh và vùng ĐBSCL...
Phát biểu tại lễ công bố thành lập TP. Phú Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết: Phú Quốc là huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; được mệnh danh là “vùng đất trù phú” với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có. Chính những yếu tố đặc biệt đó, kể từ năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, cùng các quy hoạch và các cơ chế, chính sách ưu đãi đã mở ra giai đoạn phát triển mới cho Phú Quốc.
Trong những năm qua, phát huy lợi thế sẵn có cùng sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, nổ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện đảo, Phú Quốc đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; nhất là trong giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây, với điều kiện hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, Phú Quốc đã thật sự vươn lên, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, bình quân trong giai đoạn 2016-2019: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ trên 19%/năm, cao gấp 2 lần của tỉnh; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 141.652 tỷ đồng, vượt 57% chỉ tiêu Nghị quyết; thu ngân sách tăng bình quân 19%/năm, chiếm hơn 40% tổng thu của tỉnh. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Chính phủ, lượng khách bình quân mỗi năm tăng 28%, trong đó khách quốc tế tăng hơn 45%; nhiều thương hiệu du lịch lớn trên thế giới đều đã góp mặt tại Phú Quốc. Đến nay đã thu hút 372 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 16,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao so với tỉnh và cả nước.
"Với tiềm năng lợi thế được mệnh danh là “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, trong những năm qua Phú Quốc đã thu hút khá lớn nguồn vốn đầu tư ngân sách lẫn các thành phần kinh tế, với bộ máy đơn vị hành chính cấp huyện như “chiếc áo đã chật” rất khó quản lý.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập TP. Phú Quốc chính là sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu mô hình quản lý mới theo thiết chế chính quyền đô thị, gỡ nút thắt về tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản trị hành chính nhà nước ở địa phương; tạo sức bật mạnh hơn nữa để Phú Quốc phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; tạo thế và lực trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển đảo vùng Tây Nam của Tổ quốc", ông Thành nhấn mạnh.
Những mũi đột phá
Theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang: Đỗ Thanh Bình: Phú Quốc lên thành phố làm niềm vui của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Kiên Giang nói chung và TP. Phú Quốc nói riêng.
Phú Quốc được như hôm nay chính là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, sự đóng góp lớn của các thế hệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện qua các thời kỳ, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần lao động, công tác, học tập nghiêm túc của các tầng lớp nhân dân huyện đảo Phú Quốc.
Để nhanh chóng thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền thành phố Phú Quốc khẩn trương sắp xếp ổn định tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo đề án đã được phê duyệt đi vào hoạt động, vận hành thông suốt. Đồng thời quan tâm chỉ đạo ổn định đời sống của nhân dân địa phương; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu trong bộ máy phải gương mẫu, làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, để hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng bộ và nhân dân thành phố Phú Quốc.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc đi đôi với quản lý tốt quy hoạch. Tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường...
Quan tâm nhiều hơn nữa phát triển văn hóa xã hội, chăm lo tốt đời sống nhân dân. Quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa, xã hội Phú Quốc lành mạnh, thân thiện, văn minh, an toàn và giàu bản sắc truyền thống. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được thụ hưởng thực sự thành quả từ sự phát triển của thành phố Phú Quốc mang lại.
Là địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh, do vậy trong lãnh đạo, chỉ đạo phải đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Theo ông Bình: để đạt mục tiêu trên, TP. Phú Quốc thực hiện các khâu đột phá: xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ có năng lực; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Quốc.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, Lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc cũng kiến nghị cán Bộ, ngành Trung ương tích cự hỗ trợ nhiều hơn cho địa phương.
"Việc công bố thành lập thành phố Phú Quốc hôm nay là bước ngoặt hết sức quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang nói chung, Đảng bộ và nhân dân Phú Quốc nói riêng, mở ra điều kiện hết sức thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Song, đây mới chỉ là bước khởi đầu để Phú Quốc phát triển theo định hướng của Chính phủ. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, hãy chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển xứng tầm là thành phố biển đảo phía Tây Nam Tổ quốc, là trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực và quốc tế; xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương, của Tỉnh ủy và mong muốn của nhân dân", ông Bình nói.
Phú Quốc bao gồm quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Riêng đảo Phú Quốc là đảo có diện tích lớn nhất nước, với diện tích trên 589 km2. Trong đó định hướng phát triển: Phú Quốc xác định phát triển không gian đô thị dọc theo trục Bắc-Nam với diện tích 3.852 ha, chiếm 6,54% tổng diện tích tự nhiên. Phía Bắc là khu đô thị Cửa Cạn, trung tâm thành phố là khu đô thị Dương Đông, phía Nam là khu đô thị An Thới.
Có thể bạn quan tâm
“Thành phố không ngủ” Grand World Phú Quốc “hớp hồn” nhà đầu tư phía Bắc
11:05, 05/01/2021
Phú Quốc "sốt đất" vì trở thành thành phố biển đảo
07:00, 04/01/2021
Phú Quốc vào mùa đẹp nhất để du lịch, săn tìm cơ hội đầu tư
21:44, 30/12/2020
Giá bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc sẽ còn tăng
04:30, 30/12/2020
Thành phố Phú Quốc: “Đất đảo” sẽ hóa “đất vàng”
15:23, 25/12/2020