TP HCM thiếu hụt nguồn cung nhà ở
“Xu thế phát triển đô thị tại TP HCM vẫn còn theo kiểu “vết dầu loang” và thấp tầng, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu về đô thị hóa và phát triển đô thị”.
Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) về thị trường địa ốc TP HCM năm 2020.
Theo báo cáo mới nhất của HoREA, năm 2020 về cơ bản thị trường vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị đóng băng, cũng không bị “bong bóng”, nhưng tiếp tục bị thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư. Đồng thời, đáng quan ngại về dấu hiệu biểu hiện thừa cung của phân khúc nhà ở cao cấp, do tỷ trọng nhà đầu tư thứ cấp trong phân khúc này chiếm tỷ lệ rất cao, trên dưới 60%.
Năm 2020, bình quân diện tích nhà ở của thành phố là 20,63 m2/người, tuy đạt mục tiêu đề ra, nhưng còn thấp hơn rất nhiều so với diện tích nhà ở bình quân của cả nước, 24 m2/người.
Hiệp hội nhận thấy, động lực chính trong phát triển nhà ở tại thành phố trong nhiều năm qua và hiện nay vẫn thuộc về khu vực cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng nhà ở riêng lẻ, chiếm tỷ trọng đến 58,52%, trong lúc hoạt động phát triển nhà ở theo dự án tuy có xu thế tăng dần trong các năm qua, nhưng quy mô cũng còn thấp hơn, chỉ chiếm tỷ trọng 41,48% trong năm 2020.
Kết quả hoạt động phát triển nhà ở trên đây cho thấy, xu thế phát triển đô thị tại TP HCM vẫn còn theo kiểu “vết dầu loang” và thấp tầng, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu về đô thị hóa và phát triển đô thị. Chưa đảm bảo được nguyên tắc “sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường; Chưa hình thành được nhiều đô thị vệ tinh có mật độ dân số tập trung.
Với thực trạng hiện nay, sẽ khó kết nối hạ tầng, đặc biệt là kết nối hệ thống giao thông có sức chở lớn như metro, monorail, xe buýt... vì Nhà nước không thể có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư, nếu thành phố cứ phát triển theo kiểu “vết dầu loang”, thấp tầng như hiện nay, cũng như khó thực hiện hiệu quả việc tái bố trí dân cư của thành phố.
Từ thực tế về tỷ lệ nhà ở thấp tầng rất lớn (có một số khu vực nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch, nhà chung cư cũ) và với diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước, có thể nhận định, dư địa phát triển của thị trường bất động sản TP HCM còn rất lớn, với tổng nhu cầu nhà ở rất cao trước mắt và cả trong trung hạn, dài hạn.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội, trên thực tế thì phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm đến tỷ lệ khoảng 70%, chiếm thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020; Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên dưới 25% tổng số nhà ở.
Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020. Đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự “lệch pha” sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững.
HoREA dự báo, 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cũng là năm đầu của kế hoạch 2021-2025, chắc chắn sẽ tạo được xung lực rất mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thị trường bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
Căn hộ chung cư TP HCM lập đỉnh giá mới, bỏ xa Hà Nội
14:00, 13/01/2021
3 điểm nóng bất động sản TP HCM trong thập niên tới
05:00, 25/11/2020
Bất động sản TP HCM mở lối nguồn cung
13:28, 29/03/2020
Bất động sản TP HCM: Vướng mắc nhỏ, thiệt hại lớn: Khóc ròng vì thủ tục, pháp lý
11:10, 15/07/2019
Bất động sản TP HCM khổ vì lỗi "câu chữ"
10:41, 07/06/2019