Theo số liệu thống kê của DKRA Việt Nam, giá bán căn hộ sơ cấp tại khu Đông TP HCM đã đạt 102 triệu đồng/m2, bỏ xa giá chung cư Hà Nội.
Tổng quan thị trường bất động sản TP HCM năm 2020, chuyên gia DKRA Vietnam cho biết, thị trường đang xuất hiện nghịch lý khi nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ dự án đều giảm, song giá bán sơ cấp thị trường căn hộ chung cư đang lập đỉnh giá mới.
Cụ thể, tổng nguồn cung căn hộ tại TP HCM năm 2020 đạt 17.579 căn, giảm 28,3% cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 86,6%, khoảng 15,229 sản phẩm, giảm 33,38% so với năm 2019.
Giá bán căn hộ sơ cấp tại khu Đông đang ở mức kỷ lục với giá bán bình quân đạt 102 triệu đồng/m2, mức giá tối thiểu ghi nhận ở mức 39 triệu, cao nhất là 165 triệu đồng/m2. Giá bán trên được ghi nhận đã “vượt mặt” các khu đất vàng trong trung tâm TP.
Trong khi đó, theo báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý IV/2020 của JLL Việt Nam, giá bán trung bình đạt 1.531 USD/m2 (khoảng 35 triệu đồng).
Thị trường căn hộ bán tại Thủ đô cũng ghi nhận tốc độ tăng giá tại các quận ngoại thành như Nam Từ Liêm và Gia Lâm với khoảng cách giữa 2 khu vực đang được thu hẹp lại. Trong đó, một dự án mới mở bán tại huyện Gia Lâm đã ghi nhận giá bán sơ cấp đạt mức trên 1.900 USD/m2 (gần 44 triệu đồng).
Có thể thấy, với mức giá bán trung bình tại Hà Nội là 35 triệu đồng/m2 đang “dễ thở” hơn rất nhiều so với giá bán bình quân 102 triệu đồng/m2 tại TP HCM.
Đặc biệt, trong buổi họp báo quý IV/2020, Bộ Xây dựng cũng thông tin giá nhà ở TP HCM đang có mức tăng cao so bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, giá nhà ở tại TP.HCM có mức tăng cao hơn Hà Nội.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, khoảng 10 năm trước, bán một ngôi nhà tại Hà Nội có thể mua được 2 căn nhà có diện tích tương tự tại TP HCM. Nhưng kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2011-2012, thị trường bất động sản nhà ở tại TP.HCM bắt đầu có biến động mạnh về giá.
Cụ thể, ông Hoàng cho biết, trong một thập kỷ qua, xu hướng phát triển chung cư gia tăng mạnh ở cả Hà Nội và TP HCM, tỷ trọng nhà ở mới xây dựng là chung cư chiếm đến 90%. Giá đất tại hai thành phố này có thể tương đương, nhưng nhu cầu nhà ở tại TP HCM cao hơn Hà Nội do dân số lớn hơn, bên cạnh đó các dự án bất động sản tại TP.HCM đang tắc nghẽn về mặt pháp lý từ năm 2018 khiến nguồn cung nhà sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá bán sản phẩm lên cao.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Savills Việt Nam, việc số lượng người nước ngoài làm việc tại TP.HCM cũng đông đảo và có nhu cầu thuê các căn hộ cao cấp lớn hơn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá bán căn hộ tại TP HCM cao hơn Hà Nội.
Ngoài ra, chủ đầu tư tại TP.HCM đang đầu tư mạnh vào không gian và tiện ích đi kèm như hồ bơi, sân quần vợt, đường chạy bộ, không gian công cộng, khu vui chơi trẻ em, tính riêng tư của khu căn hộ, đẩy chi phí hình thành căn hộ tăng lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chênh lệch này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021, giá bán sơ cấp phân khúc căn hộ sẽ không hạ nhiệt.
Có thể bạn quan tâm
Giá nhà “bỏng tay”, dân nghèo chỉ biết ngóng chính sách
05:00, 16/12/2020
Giải pháp "kéo" giá nhà về tay người lao động: Sớm gỡ vướng các dự án đang "mắc kẹt"
19:26, 25/12/2020
Giá nhà đất phía Tây Hà Nội “nhảy múa” cuối năm
15:30, 15/12/2020
Bộ Xây dựng: Giá nhà ở tăng bất chấp dịch COVID-19
11:40, 16/11/2020