Bất động sản công nghiệp duy trì triển vọng tích cực
Bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong bối cảnh một số chính sách mới đang được dự thảo.
Theo số liệu thống kê từ JLL Việt Nam, trong quý II/2021, cả thị trường miền Bắc và miền Nam đều ghi nhận thêm nguồn cung BĐS công nghiệp mới. Cụ thể, miền Bắc ghi nguồn cung mới từ KCN Yên Mỹ - Hưng Yên của chủ đầu tư Viglacera Yên Mỹ, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc lên 9.700 ha.
Tại khu vực phía Nam, thị trường ghi nhận thêm nguồn cung mới từ KCN Trần Anh Tân Phú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An do Trần Anh Group làm chủ đầu tư, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Nam lên 25.220 ha.
Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ở cả hai miền Nam và miền Bắc đều rơi vào tình trạng khan hiếm, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo JLL Việt Nam thì giá thuê BĐS KCN tăng cả tại miền Bắc và miền Nam với mức tăng tương ứng khoảng 6% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo đánh giá của CBRE Việt Nam, bất chấp dịch bệnh COVID-19 hiện nay là giai đoạn BĐS công nghiệp bùng nổ mạnh nhất. Cụ thể, trong 2 quý đầu năm 2021 đã có sáu khu công nghiệp (KCN) mới ra mắt.
Một số KCN quy mô có thể kể đến như KCN Việt Phát của Công ty CP Quản Lý KCN Sáng tạo Việt Nam tại Long An có quy mô lớn nhất với diện tích 1.800 ha. 5 KCN quy mô khác là KCN Nam Tràng Cát (200ha) và KCN Thủy Nguyên (319ha) tại Hải Phòng đều của Tập đoàn Vingroup; KCN Phú Mỹ 3 (999ha) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh (238ha) của Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tại Bắc Ninh và KCN Sông Lô 1 (177ha) tại Vĩnh Phúc của Công ty Cổ phần Đầu tư TNI Holding.
Năm bắt xu thế đó, một số doanh nghiệp BĐS lớn vốn trước đây không mấy mặn với BĐS công nghiệp hiện lại đang bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc tham gia hợp tác, mua bán, sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp vốn đang có thế mạnh về BĐS công nghiệp như sở hữu quỹ đất tiềm năng lớn.
Đơn cử như gần đây xuất hiện thông tin “ông lớn” Vinhomes quan tâm đến doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực BĐS KCN là Tổng Công ty Tín Nghĩa. Tại Đại hội cổ đông mới đây, bà Nguyễn Diệu Linh - Chủ tịch Tập đoàn Vinhomes cho biết “Vinhomes sẽ xem xét một cách thấu đáo và phải qua quá trình thẩm định kỹ càng”.
Theo nhận định của các chuyên gia, lĩnh vực BĐS KCN thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì triển vọng tích cực nhất là khi Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT đang được dự thảo và sẽ được trình thông qua trong thời gian tới với nhiều điểm mở đáng kể.
Tại Báo cáo cập nhật ngành BĐS KCN về tác động của Nghị định mới thay thế nghị định 82/2018/NĐ-CP của SSI Research thì dự thảo Nghị định mới sẽ hợp lý hóa quy trình xin cấp phép KCN mới và KCN mở rộng. Ngoài ra, ưu đãi sẽ dành cho các KCN sinh thái, dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ cho phép phân cấp phê duyệt thành lập các KCN mới, điều chỉnh và mở rộng các KCN theo 1 trong 2 phương án (1) ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoặc (2) Phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó hiện theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, tất cả các quyết định đó đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Quỹ đầu tư Actis “rót” 20 triệu USD vào KCN An Phát 1
03:26, 29/06/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Sửa đổi chức năng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng
19:47, 10/06/2021
Hải Phòng: Mở rộng 687 ha giai đoạn 3 cho KCN Tràng Duệ
08:18, 09/06/2021
Dồn lực kiểm soát ổ dịch COVID-19 trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang
00:30, 17/05/2021