Nguồn vốn rất lớn đang nằm trong đất

NGUYỄN VIỆT 10/07/2021 08:23

Trong vấn đề đất đai ở Việt Nam hiện nay, điều dễ nhất nhưng lại là điểm khó nhất đó là đưa quyền sở hữu đất đai thành quyền tài sản.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại cuộc Tọa đàm đối thoại chính sách: “Quản lý đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất tại Việt Nam” do trường ĐH KTQD tổ chức gần đây.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KTQD.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KTQD.

Theo ông Thiên, đó là do đất đai của chúng ta chủ yếu là đất nông nghiệp, mục đích sử dụng rất hạn chế. Do bị ràng buộc nhiều thủ tục nên muốn thay đổi mục đích sử dụng thường rất khó khăn.

Không để đất “bất động”

“Có quyền tài sản nhưng lại bị bó buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính, nên chúng ta không có được một thị trường bất động sản linh hoạt”, ông Thiên thẳng thắn. Ông Thiên cho rằng, phải định nghĩa cho đúng bản chất của quyền sử dụng đất. Đất đai là lãnh thổ quốc gia, nhưng cũng là tài sản cho quốc gia nên phải được giao dịch.

Ông Thiên đơn cử, nếu đất đai được quy đổi tương đương như tài sản thì lượng tài sản vận động trong xã hội sẽ tăng lên gấp 2-3 lần, thậm chí 10 lần. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang tự “trói” giá trị của đất với khái niệm đất không phải là tài sản. “Với tư duy như vậy chúng ta vô tình đã làm cho giá trị của đất bị bất động”, ông Thiên nói.

Do đó, ông Thiên đề nghị phải nhìn nhận đất đai là nguồn lực để phát triển, cần phải được từng người sở hữu sử dụng hiệu quả. Vẫn theo ông Thiên, vấn đề cần bàn lúc này là tại sao thị trường đất đai ở Việt Nam lại mang bản chất của một thị trường đầu cơ?

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Ông Thiên cho rằng, có hiện tượng này vì giá đất ở Việt Nam là giá bán trong tương lai, nhưng làm sao để hạn chế được hậu quả vì thị trường đầu cơ ở Việt Nam còn đang “méo méo”?

Ông Thiên dẫn chứng, thuế là một điểm mấu chốt của thị trường đầu cơ. Trên thực tế ai cũng nhìn thấy, nhưng để xử lý được thì còn vướng “rất nhiều thứ”, đặc biệt liên quan đến lợi ích cá nhân.

Do đó, nhà nước cần phải đứng trên nguyên tắc lợi ích cơ bản, không để lợi ích cá nhân thao túng và hưởng lợi trên lợi ích nhà nước và người dân. “Nguồn lực lớn nhất của quốc gia là đất đai, thị trường đất đai không phát triển, méo mó sau đó chuyển thành thị trường đầu cơ là rất nguy hiểm”, ông Thiên bày tỏ.

Trả lời câu hỏi của ông Thiên về việc nhà đầu tư bán giá tương lai, còn nhà nước chỉ mua với giá hiện tại, ví dụ đất nông nghiệp chỉ có 1triệu đồng/m2, trong khi nhà đầu tư bán ra với giá từ 50 – 100 triệu đồng/m2? GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH KTQD cho biết, vấn đề không phải do định giá mà do khung giá.

Cần vốn hóa đất đai

Bàn đến câu chuyện thu thuế đất đai hiện nay ở Việt Nam, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong khi các nước chủ yếu thu bằng thuế, thì tại Việt Nam lại rất “yếu ớt”.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Võ đưa ví dụ tại các nước như Anh, Mỹ tổng thu từ thuế tài sản là 3% GDP. Còn 3 nước trung bình ở khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia và Philippines là 0,3% GDP. Còn Việt Nam là 0,035%. Tức là Việt Nam thu thuế kém Anh, Mỹ là 100 lần, kém Thái Lan, Indonesia và Philippines 10 lần. “Tất cả các nước thành công trong phát triển công nghiệp hóa là những nước có nghệ thuật cao nhất để vốn hóa đất đai”, ông Võ nói.

Vốn hóa đất đai chính là đưa đất công vào thị trường để thu tiền. Còn đất tư thì đánh thuế đối với tư nhân sử dụng đất. Đây là bài toán rất đơn giản, tuy nhiên theo ông Võ với Việt Nam lại “chưa giải được”.

Trong khi đó, ở các nước đây chính là cơ hội để tích lũy tư bản ban đầu để thực hiện công nghiệp hóa, tiêu biểu như các nước G7.

“Trong xã hội hiện đại, tất cả các nước đang phát triển muốn thành nước công nghiệp phát triển, thì phải khai thác vốn tiềm ẩn ở trong đất để đưa ra thành vốn tài chính. Và Hàn Quốc, Đài Loan đã làm rất thành công”, ông Võ bày tỏ.

Ông Võ cho rằng, đến thời điểm này Việt Nam vẫn còn đang “loay hoay” đi tìm vốn từ bên ngoài như ODA, FDI... trong khi lại “bỏ quên” một nguồn vốn rất lớn đang nằm trong đất.

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ vọng

    Kỳ vọng "hộ chiếu vaccine" sẽ vực dậy thị trường bất động sản

    12:28, 09/07/2021

  • Thị trường bất động sản Nghệ An đang lắng xuống?

    Thị trường bất động sản Nghệ An đang lắng xuống?

    17:00, 05/07/2021

  • Thị trường bất động sản Hà Nội có tiếp tục “gãy nhịp”?

    Thị trường bất động sản Hà Nội có tiếp tục “gãy nhịp”?

    16:33, 30/06/2021

  • Hướng đi đúng của thị trường bất động sản Thanh Hóa

    Hướng đi đúng của thị trường bất động sản Thanh Hóa

    15:13, 28/06/2021

  • Thị trường bất động sản: Chuyên nghiệp bắt đầu từ thông tin

    Thị trường bất động sản: Chuyên nghiệp bắt đầu từ thông tin

    05:00, 21/06/2021

  • Nhu cầu kho lạnh làm nóng thị trường bất động sản logistics

    Nhu cầu kho lạnh làm nóng thị trường bất động sản logistics

    03:00, 28/05/2021

NGUYỄN VIỆT