Việc dừng triển khai 6 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống có thể tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Hà Nội.
Mới đây, TP Hà Nội chính thức dừng triển khai 82 dự án BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có 6 dự án xây dựng cầu: Cầu Trần Hưng Đạo qua Sông Hồng, Cầu tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Thượng Cát, Cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu, cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh, cầu Hồng Hà và đường dẫn đầu cầu thuộc đường vành đai 4.
Theo tìm hiểu, dự án cầu Trần Hưng Đạo được kết nối từ nút giao thông Cổ Linh - Xuân Quan đi qua sông Hồng bắc thẳng vào trục đường Trần Hưng Đạo trong nội đô, được xây dựng với mục tiêu giảm tải lưu lượng các phương tiện giao thông tại 2 cây cầu Vĩnh Tuy và Chương Dương. Dự án được dự kiến triển khai và hoàn thành vào năm 2019.
Cùng giai đoạn, các cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và cầu Giang Biên cũng được kỳ vọng sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2021. Khi được đầu tư xây dựng, 4 cầu nói trên sẽ khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4, đồng thời tạo cú hích mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.
Theo nhiều chuyên gia về đô thị, cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản sẽ tăng đến đấy. Sự bứt phá về hạ tầng không chỉ giúp thay đổi diện mạo khu vực mà còn là cú hích tạo sức bật cho thị trường bất động sản khu vực.
Thực tế là thời điểm giữa năm 2017, thị trường đã chứng kiến sự nóng lên của bất động sản khu Đông Hà Nội với thông tin 4 cây cầu tỷ đô sắp được xây dựng. Khu đất nằm bên này sông Đuống, giáp với Bắc Ninh tăng giá từ 25 - 35 triệu đồng/m2. Còn đất trong ngõ, lối đi chung nhỏ hẹp có giá từ 17 đến 25 triệu đồng/m2. Tính đến năm 2019, giá đất tại khu Đông Hà Nội đã tăng 50%, thậm chí một số khu vực như Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Dương Xá (Gia Lâm) còn tăng gấp đôi.
Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng đánh giá khu vực đất phía Đông và Đông Bắc thời gian sắp tới sẽ có giá không kém gì khu vực phía Tây nhờ sự đầu tư hạ tầng tại khu với 4 cây cầu liên tiếp được lên kế hoạch xây dựng sẽ giúp giao thông đi lại giữa người dân huyện Gia Lâm, Đông Anh, Long Biên vào Hà Nội dễ dàng hơn, phá vỡ khoảng cách phát triển.
Trong khi đó, nhận định về khả năng tăng giá của BĐS Long Biên khi 4 cây cầu này được xây dựng, tại cuộc họp báo quý III/2017, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kỳ vọng: “4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất".
"Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá.
Cùng thời điểm đó, các dự án bất động sản như Chung cư HC Golden City, Vinhomes Ocean Park , Berriver Long Biên, PHC Complex; dự án Le Grand Jardin, Hope Residence, TSG Lotus Sài Đồng... cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ hạ tầng, khi người dân của các dự án này chỉ cần đi qua đường 5 rồi rẽ phải vào đường Cổ Linh là có thể lên được cầu Trần Hưng Đạo chứ không cần đi qua cầu Vĩnh Tuy vốn đã rất đông vào giờ cao điểm và nguy hiểm khi thời tiết xảy ra mưa bão.
Các dự án trên cũng được kỳ vọng mang tới diện mạo mới cho bất động sản khu Đông và phát triển đồng đều ở 2 cực Thủ đô.
Tuy nhiên, kỳ vọng cứ dần dập tắt khi các dự án vẫn án binh bất động nhiều năm qua và mới đây là sự chấm dứt hình thức đầu tư BT. Câu chuyện nguồn vốn, cách thức triển khai vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho những dự án có vốn khủng.
Trong khi đó, sự quá tải hạ tầng với hàng trăm chung cư, khu đô thị tại khu Tây Hà Nội lại đang ở mức đáng báo động, mất tính công bằng, tạo ra một thành phố méo mó và chắp vá.
Có thể bạn quan tâm