Quy hoạch sông Hồng: Tận dụng đê hiện có làm hai tuyến đường ven sông

PHƯƠNG UYÊN 27/07/2021 16:43

Các chuyên gia ủng hộ quan điểm xây 2 tuyến đường ven sông Hồng nhưng giữ nguyên cao trình, đồng thời tuyến đường kiêm luôn chức năng đê chính.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng lại nóng lên khi Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch này.

à Nội cần chú trọng đến xây dựng 2 tuyến đường chạy dọc sông Hồng. Đây sẽ là tuyến giao thông chính, liên kết giao thông phân khu đô thị với giao thông trên toàn thành phố

Hà Nội cần chú trọng đến xây dựng 2 tuyến đường chạy dọc sông Hồng. Đây sẽ là tuyến giao thông chính, liên kết giao thông phân khu đô thị với giao thông trên toàn thành phố

Tại văn bản trả lời, Bộ NN-PTNT nhất trí với nhiều nội dung của quy hoạch, nhưng cắt bỏ một số đề xuất của thành phố về cao trình 2 tuyến đường ven sông, không nhất trí giữ lại hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề…

Bộ NN&PTNT đề nghị lựa chọn cao trình mặt đường tương đương cao trình mặt bãi sông tự nhiên hoặc cao trình đê bối hiện có (đối với tuyến đường đi trùng với đê bối hiện có) hoặc cao trình khu dân cư hiện có (đối với tuyến đường đi qua khu dân cư hiện có) để chỉ phục vụ phát triển giao thông, đảm bảo không gian thoát lũ và phù hợp với quy hoạch.

GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học Giao thông Vận tải nhất trí với ý kiến Bộ NN-PTNT làm hai 2 tuyến đường ven sông nhưng cao độ bằng với bãi hiện có hoặc tương đương lũ báo động 1 để lũ cao hơn có thể chảy tràn.

Theo GS Cậy, nếu xây dựng 2 tuyến đường ven sông với cao trình mặt đường +12,0 như đề xuất của Hà Nội thì khi lũ về sẽ thu hẹp dòng chảy. Cho nên chỉ nên củng cố, hiện đại hóa hệ thống 2 đê hiện nay, có thể bê tông hóa, mở rộng chiều rộng xe chạy còn cao độ vẫn giữ nguyên.

Việc cần làm đầu tiên sau khi quy hoạch được duyệt là triển khai xây dựng hai tuyến giao thông huyết mạch dọc bờ sông thật quy mô, khang trang

Việc cần làm đầu tiên sau khi quy hoạch được duyệt là triển khai xây dựng hai tuyến giao thông huyết mạch dọc bờ sông thật quy mô, khang trang

Chia sẻ với DĐDN, Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn - Tổng Công ty cổ phần Vinaconex cho rằng, phát triển đô thị ven sông cũng cần có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông. Sở dĩ dòng sông Hồng được bắt nguồn từ Trung Quốc và được tạo thành từ hợp lưu của nhiều con sông trước khi chảy qua Hà Nội, do đó khi triển khai cần lưu ý các giải pháp chống lũ và kiểm soát được cao độ mực nước ảnh hưởng đến khu dân cư.

Ông Sơn cũng bày tỏ quan điểm nên xây dựng hai tuyến đường ven sông Hồng kiêm luôn chức năng đê chính. Đồng thời không gian thoát lũ, tức khoảng cách giữa 2 đê cần phải tính toán để đảm bảo lũ cao nhất không vượt qua được. 

"Trên thực tế, hơn 20 năm qua chưa xảy ra tình trạng nước lũ nguy hiểm và người dân cũng đã ở dọc 2 bên sông ngày nhiều hơn. Tuy nhiên, khi triển khai chúng ta cần có các giải pháp ứng phó với việc này, đồng thời đảm bảo sự hài hòa của dòng chảy cho khu vực hạ lưu, điều hòa lưu lượng dòng nước không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân 2 bên bờ sông cũng như việc sản xuất nông nghiệp của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ" - ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, nếu tuyến đường ven sông được hình thành nên áp dụng theo phương thức TOD (Sử dụng tối đa giao thông công cộng trong đô thị, ít phụ thuộc vào giao thông cá nhân) để hạn chế ùn tắc giao thông, mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng dân cư và giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình TOD được nhiều thành phố tại Nhật Bản áp dụng, điển hình là thủ đô Tokyo.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 đã được phê duyệt, có xác định phải xây dựng 2 tuyến chủ đạo ven đê hiện có, làm ra các con đường nhằm kết nối phía Bắc và Nam. Tuyến đường ven sông sau khi hình thành sẽ tăng cường kết nối giữa khu vực trong và ngoài đê, phân tán lưu lượng giao thông, đồng thời khai thác cảnh quan mặt nước sông Hồng.

"Tuyến đường ven sông được đánh giá là nhiệm vụ cấp bách không chỉ phục vụ giao thông. Quan trọng hơn, nó tạo lập cảnh quan, đặc biệt là trục không gian công cộng. Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 cũng có mục tiêu đặt ra là biến sông Hồng trở thành trục cảnh quan quan trọng nhất, là trung tâm thành phố. Để tạo ra điều đó, rất cần con đường này - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuối năm 2021, đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ được duyệt

    Cuối năm 2021, đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ được duyệt

    04:00, 22/07/2021

  • Quy hoạch sông Hồng: Bỏ 2 khu dân cư, xây tuyến đường ven sông không hợp lý

    Quy hoạch sông Hồng: Bỏ 2 khu dân cư, xây tuyến đường ven sông không hợp lý

    01:30, 20/07/2021

  • Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vướng phần chống lũ

    Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vướng phần chống lũ

    04:00, 21/06/2021

  • Quy hoạch bờ sông Hồng: Bất động sản Hà Nội có phát triển nóng như Seoul?

    Quy hoạch bờ sông Hồng: Bất động sản Hà Nội có phát triển nóng như Seoul?

    11:50, 19/04/2021

PHƯƠNG UYÊN