Những công trình xây dựng nào được thi công khi giãn cách xã hội?
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường xây dựng, quy định về các công trình được phép thi công khi giãn cách.
Cụ thể, theo Công văn số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 của Bộ Xây dựng, với các khu vực, địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định cho phép công trình cụ thể nào được phép thi công xây dựng dựa vào điều kiện thực tế của địa phương.
Tuy nhiên phải xem xét các tiêu chí quy định và một số nguyên tắc, đơn cử như là những công trình phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xây dựng theo lệnh khẩn cấp; phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh đã triển khai thi công.
Công trình dùng cho mục đích sản xuất công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng ngoài đô thị, cách xa điểm dân cư tập trung. Công trình xây dựng sắp hoàn thành (việc xây dựng đã hoàn thành trên 80%) mà khi đưa vào sử dụng có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội.
Công trình đang thi công bắt buộc phải tiếp tục để đảm bảo kỹ thuật công trình, an toàn tính mạng cộng đồng hoặc nếu dừng có thể ảnh hưởng đến an toàn của công trình liền kề.
Công trình xây dựng trong khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; các công trình sửa chữa, cải tạo trong phạm vi mặt bằng của doanh nghiệp.
Công trình dân dụng trong khu dân cư có hàng rào che chắn xung quanh và có khoảng cách đến nhà/công trình lân cận… tối thiểu từ 30m trở lên. Riêng xây nhà ở thì số lượng lao động có mặt tại đây không quá 10 người.
Đặc biệt, mọi công trình xây dựng tại khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) đều phải tạm dừng thi công, xây dựng trừ trường hợp phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch.
Trên thực tế, dưới sự tác động của dịch bệnh COVID – 19, hoạt động thi công của các công trình trọng điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó có thể kể đến như một số gói thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận phải dừng thi công do có nhiều người lao động nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, một số gói thầu trên tuyến cao tốc tạm dừng thi công 21 ngày do người lao động bị cách ly, hạn chế ra khỏi chỗ ở. Đồng thời, các trạm trộn bê tông nhựa tại Đồng Tháp và tại Long An, Cần Thơ phục vụ thi công đều bị đình hoãn sản xuất theo yêu cầu của các địa phương để phòng, chống dịch.
Mặt khác, các tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội thời gian dài nên việc vận chuyển, cung cấp vật tư, vật liệu đến công trường khó khăn; quá trình tăng cường nhân sự, thiết bị vào các gói thầu bị ảnh hưởng cũng gặp trở ngại khi phải đi qua nhiều địa bàn.
Tại tâm dịch lớn nhất cả nước hiện tại – TP HCM, công trình tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, số lượng kỹ sư, công nhân được huy động chỉ còn bằng 1/5 so với trước đây.
Theo kế hoạch thử nghiệm tàu metro số 1, quý IV/2021 sẽ vận hành chạy thử kỹ thuật đoạn tuyến dọc Xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến kế hoạch vận chuyển và điều động nhiều thiết bị và chuyên gia đã bị ảnh hưởng. Do đó, thời gian chạy thử tàu có thể phải điều chỉnh.
Theo GS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), việc thi công bị ảnh hưởng không những khiến tiến độ các dự án bị chậm lại mà các doanh nghiệp, nhà thầu còn phát sinh thêm chi phí duy trì nhân lực, máy móc và trả nợ lãi ngân hàng theo phương án tài chính.
Do đó, cần có phương án hướng dẫn thực hiện cụ thể để đảm bảo hoạt động thi công các công trình trọng điểm trong thời gian giãn cách này.
Có thể bạn quan tâm