Thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM: Thế khó tiếp diễn
Mặt bằng bán lẻ nhà phố và trung tâm thương mại được đánh giá là một trong những phân khúc sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất trong giai đoạn các tháng cuối năm.
Đại dịch Covid-19 diễn biến xấu và việc giãn cách xã hội đang được triển khai diện rộng trên phạm vi toàn quốc khiến việc kinh doanh mặt bằng nhà phố và bán lẻ gặp khó khăn.
Dù nhiều doanh nghiệp vẫn đang âm thầm chuẩn bị kĩ lưỡng cho chiến lược phát triển trong thời gian tạm hoãn này, cùng với việc phát triển mạnh mẽ từ các nền tảng thương mại điện tử nhưng giới chuyên gia cho rằng, trong 4 tháng tới đây, phân khúc này vẫn khó khởi sắc.
Cụ thể, theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills Việt Nam, nửa đầu năm 2021, không có dự án nào thật sự tiềm năng đi vào vận hành. Nhiều dự án đều trì hoãn tiến độ thi công hoặc trì hoãn ngày khai trương thêm vài năm mặc dù đã hoàn thành xây dựng.
Khảo sát trên các nhóm khách bán lẻ cho thấy, vào thời điểm đầu năm, lượng khách thuê có nhu cầu mở rộng mạng lưới cửa hàng tại TP.HCM khá nhiều nên tình hình chào thuê tương đối sôi nổi. Tuy nhiên tình hình giãn cách xã hội nghiêm trọng kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay đã khiến cho nhiều cửa hàng thi công xong nhưng không được khai trương, phải tiếp tục rơi vào thế bị động làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
“Dự kiến sau thời gian giãn cách xã hội này, các nhà bán lẻ sẽ mất ít nhất 3 tháng để các khu mua sắm dần phục hồi lượng giao thông mua sắm, và mất ít nhất 1 năm để nhà bán lẻ và người tiêu dùng lấy lại niềm tin và cả thị trường hoạt động lại cân bằng ổn định, phục hồi trạng thái và mức doanh thu như năm 2019. Trong thời gian này, các gian hàng mới phải âm thầm bán hàng và đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến chứ không sử dụng cách thức tổ chức sự kiện tại cửa hàng như trước đây vẫn ưu tiên để làm điểm thu hút và tạo tiếng vang cho đợt khai trương ra mắt của mình được nữa”.
Cũng theo bà Quyên, sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu đã tái định vị, xác định chiến lược phát triển thận trọng hơn, lựa chọn địa điểm kỹ càng, và quản lý các chi phí chặt chẽ hơn, một ví dụ điển hình là ngân sách dành cho mặt bằng thuê café và nhà hàng trước đây có thể đạt 20% thậm chí 30% doanh thu cho các mặt bằng đẹp, đắc địa nay chỉ tối đa 10-16% để duy trì hiệu quả.
Đánh giá về sự thay đổi về mặt bằng giá thuê trong những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, so với giai đoạn thịnh vượng, hiện nay giá thuê mặt bằng bán lẻ mới phần lớn được giữ nguyên, thậm chí giảm 20-30%. Tỷ lệ tăng giá hằng năm cũng giảm từ 8% xuống còn 5%/năm, cán cân quyền lợi đang rơi vào tay những nhà bán lẻ và nhãn hàng nhiều hơn là chủ nhà.
Tìm hiểu thực tế của batdongsan.com.vn tại TP.HCM cho thấy, làn sóng thu gom mặt bằng trống từ các ông lớn có tiềm lực tài chính mạnh đang âm thầm diễn ra. Tại nhiều kh vực mà trước đây giới thuê mới rất khó chen chân như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hồ Tùng Mậu… thì hiện tại chủ nhà phải chấp nhận hỗ trợ giá thuê giảm 30% so với giá đầu năm 2020, thời gian thi công dài hơn từ 60-90 ngày so với trước đây tối đa chỉ được 30 ngày cho một mặt bằng khoảng 100-150m2.
Không chỉ mặt bằng nhà phố, tại các TTTM lớn, chủ đầu tư cũng phải giảm giá thuê 20-50% tùy ngành hàng vào những tháng thấp điểm lượng khách mua sắm, miễn phí tiền thuê, miễn phí phí dịch vụ hoặc giảm 50% phí dịch vụ trong suốt thời gian giãn cách.
Bên cạnh sự sụt giảm của mặt bằng bán lẻ truyền thống, lĩnh vực thương mại điện tử lại ngày một mở rộng theo sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Theo khảo sát của YoGov xuất bản vào tháng 6/2021 đánh giá sự chuyển biến của hành vi khách hàng trong đợt dịch Covid-19 cho thấy 65% khách hàng có tần suất mua sắm trực tiếp thường xuyên.
Kênh mua sắm không chỉ dừng lại ở những sàn thương mại tập trung lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo mà còn những hình thức mua sắm trực tuyến tự phát triển theo các nhãn hàng. Điều này khiến khách hàng ngày càng có nhiều sự đa dạng lựa chọn mua sắm trực tuyến theo sở thích và sự thuận tiện của mình nhiều hơn.
Ngoài ra, sự cạnh tranh trong mua sắm bán lẻ trực tuyến vì vậy cũng sâu sắc hơn. Xu hướng thanh toán trả trước bằng ví điện tử hoặc thẻ, không dùng tiền mặt cũng được phổ biến với tốc độ chóng mặt hơn với 51% người tiêu dùng ở Việt Nam đã chuyển hóa từ thanh toán tiền mặt khi nhận hàng sang thanh toán trả trước này kể từ khi Covid-19 xuất hiện.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bán lẻ "khó trăm bề"
11:37, 23/08/2021
Cần ưu tiên vaccine cho nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng thiết yếu
13:00, 04/08/2021
Nửa cuối năm khó khăn chờ đợi các nhà bán lẻ máy tính Việt
04:28, 29/07/2021
Amazon vẫn tiếp tục thống trị thị trường bán lẻ?
03:08, 13/07/2021
Người lao động trong khu vực bán lẻ cần được ưu tiên tiêm vaccine
12:02, 12/07/2021
Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ hệ thống bán lẻ
01:00, 11/07/2021
Tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số
03:06, 06/07/2021