Mọi công dân có quyền có chỗ ở
Trên thực tế, điều kiện về nhà ở của một bộ phận người lao động ở cả khu vực đô thị và nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện có hàng triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp cũng như sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chưa có chỗ ở ổn định.
Mặc dù các cấp các ngành và bản thân các đối tượng trong diện nhà ở xã hội đã có nhiều cố gắng, từ chính sách thuê mua nhà trả chậm, đến việc áp dụng các gói hỗ trợ cho người lao động mua nhà xã hội hay các tổ chức tín dụng dành các khoản tín dụng rất lớn để hỗ trợ trực tiếp cho người có nhu cầu mua nhà… nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Xác định rõ khái niệm “chỗ ở - sở hữu nhà ở”
Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Thủ tục đầu tư xây dựng, phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều điểm bất cập; Nguồn vốn ngân sách bố trí hỗ trợ, lãi suất chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất để cho phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, chưa thực hiện quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta thường nói ưu thế cạnh tranh quốc gia là có một đội ngũ người lao động trẻ, tiền công lao động thấp thì việc tiếp tục thực hiện chính sách mua bán nhà ở và thực hiện theo quan điểm mỗi người lao động phải mua được 1 căn hộ là điều khó khả thi.
Từ kinh nghiệm thực tế của các nước Bắc Âu, các nước áp dụng nền kinh tế thị trường xã hội, hoặc ngay cả các nước thuộc nhóm G7 thì vấn đề đặt ra mỗi hộ gia đình phải sở hữu 1 căn hộ là điều không khả thi. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và các văn bản pháp luật ban hành như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh nhà ở cũng không quy định Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để cho công dân có chỗ ở ổn định.
Như vậy cần phải có một nhận thức mới về vấn đề này theo hướng nhà nước và các nhà đầu tư trong lĩnh vực nhà ở. Việc sở hữu nhà ở chỉ đặt ra với những người có thu nhập trung bình khá trở lên.
Huy động mọi nguồn lực
Vấn đề lớn hơn đặt ra trong chính sách nhà ở xã hội là phải đảm bảo cho người lao động có thu nhập đủ để tái tạo sức lao động và đủ tiền trang trải việc thuê nhà khi còn lao động; cũng như chế độ lương hưu đủ trả thuê nhà ở xã hội.
Nếu thực hiện theo phương án này thì quá trình nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng các khu nhà ở xã hội sẽ ít gặp khó khăn trong việc đền bù và tái định cư cho những người bịthu hồi đất; không tạo ra mâu thuẫn giữa nhưng cư dân địa phương bị thu hồi đất với những người đến ở trong các khu nhà ở xã hội được xây dựng trên các mảnh đất đó.
Ưu điểm của phương án này còn thể hiện rõ nhà nước vẫn giữ được quỹ đất và tài sản hình thành trên đất là tài sản công. Việc định giá cho thuê, nhà nước sẽ căn cứ vào thu nhập thực tế của từng giai đoạn của người lao động, có chính sách bù lỗ thông qua việc bảo trì căn hộ, duy trì các diện tích công cộng sử dụng chung như trường học, bệnh viện, khu vui chơi…tránh được tình trạng lợi nhuận thu được từ chênh lệch địa tô khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở tập trung vào một số đối tượng, gây bất bình trong xã hội và làm cho khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng bị phân hoá.
Trong thời gian tới cần thực hiện Nghị quyết của Đảng về cải cách chế độ tiền lương theo hướng tính đúng, tính đủ mọi chi phí của đời sống vào trong giá thành lương để đảm bảo khi thực hiện chế độ nghỉ hưu vẫn đủ tiền trang trải phần thuê nhà của nhà nước và các tổ chức, đảm bảo ổn định cuộc sống khi về già.
Xác định lại nhiệm vụ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong việc lo nhà cho công dân trên địa bàn theo hướng huy động mọi nguồn lực từ chính sách nhà nước, từ vốn đầu tư ngoài xã hội để đảm bảo chính sách nhà ở. Trong đó đối với doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo lợi nhuận thu được từ cho thuê nhà ở đủ trang trải cho việc bảo trì, hoàn vốn và có một phần lãi nhất định đối với khoản vốn đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra.
Việc bỏ ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng nhà ở và quản lý nhà ở sau khi cho thuê là một nguồn ngân sách cố định trong các danh mục chi hàng năm của chính quyền địa phương đảm bảo nguyên tắc không làm giảm tài sản của chính quyền địa phương khi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Loạt nhà ở xã hội bán và ở sai đối tượng
16:24, 16/08/2021
Nhà ở thương mại giá thấp vướng nhiều luật
03:30, 16/08/2021
Siết chặt môi giới nhà ở xã hội
11:00, 12/08/2021
Cần nghiên cứu chính sách phân phối nhà ở xã hội
21:50, 11/08/2021
Giải pháp đột phá về nhà ở dành cho giới trẻ
11:20, 09/08/2021
Mạo danh chủ đầu tư lừa bán nhà ở xã hội
14:00, 05/08/2021
3 yếu tố thúc đẩy nhu cầu bất động sản nhà ở cuối năm
15:00, 03/08/2021