"Đòn bẩy thép" từ quy hoạch hạ tầng Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo.
Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Theo đó, TP Hà Nội giao Công ty CP Him Lam liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP để được cung cấp thông tin và kết quả thực hiện việc tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư.
Đồng thời, cần tổ chức và nghiên cứu lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước và TP, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.
Công ty CP Him Lam phải hoàn thành công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký văn bản.
Trong thời hạn trên, Công ty CP Him Lam phải hoàn thành thủ tục lập, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; quá thời hạn, không hoàn thành thủ tục trên thì phải có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Theo tờ trình đề xuất của Công ty CP Him Lam gửi UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức BOT có điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km. Mặt cắt cầu đảm bảo 6 làn xe cơ giới, đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiểm có quy mô 1 làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe rẽ tiếp cận vào đường đê Trần Khánh Dư, đoạn cầu dẫn phía Long Biên có quy mô 6 làn xe.
Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 4.204 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng... Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2022-2025.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng mới 10 cầu qua sông Hồng gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên.
Trong đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được tăng gấp đôi lưu lượng giao thông so với trước đây, kết hợp với nút giao thông Cổ Linh với 4 tầng xe chạy, 6 đường dẫn giúp tăng tính kết nối hai đầu đến các trục giao thông huyết mạch.
Cầu Tứ Liên sẽ kết nối hai điểm cầu là khu vực Tứ Liên (Tây Hồ) và Đông Ngàn (Đông Anh). Cầu Giang Biên có độ dài 5,4 km giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực Vĩnh Tuy, vành đai 2 sang Ninh Hiệp (Bắc Ninh). Cầu Trần Hưng Đạo tăng tính kết nối từ quận Long Biên sang trung tâm Hoàn Kiếm. Cuối cùng là cầu Đuống 2 kết nối phường Đức Giang (Long Biên) với đường Hà Huy Tập (Gia Lâm)...
Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông thông thường, việc Hà Nội triển khai xây dựng 10 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng được đánh giá còn hướng đến đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế, đồng thời khai phá tiềm năng quỹ đất cũng như đời sống người dân ở các vùng ven Hà Nội.
Theo nhiều chuyên gia về đô thị, cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản sẽ tăng đến đấy. Sự bứt phá về hạ tầng không chỉ giúp thay đổi diện mạo khu vực mà còn là cú hích tạo sức bật cho thị trường bất động sản khu vực.
CBRE Việt Nam dự báo, hàng loạt tín hiệu tích cực trong quy hoạch hạ tầng và giao thông sẽ là "đòn bẩy thép" thúc đẩy giá trị bất động sản tại khu vực Đông Hà Nội tăng ít nhất 16-18% trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Sức hút khó cưỡng của bất động sản bờ Đông sông Hồng
12:59, 21/08/2021
Siêu dự án Sông Hồng City sau 27 năm vẫn “dậm chân tại chỗ”
07:02, 06/09/2021
Hà Nội hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
03:30, 03/08/2021
Quy hoạch sông Hồng: Tận dụng đê hiện có làm hai tuyến đường ven sông
16:43, 27/07/2021
Cuối năm 2021, đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ được duyệt
04:00, 22/07/2021
Quy hoạch sông Hồng: Bỏ 2 khu dân cư, xây tuyến đường ven sông không hợp lý
01:30, 20/07/2021
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vướng phần chống lũ
04:00, 21/06/2021
Quy hoạch bờ sông Hồng: Bất động sản Hà Nội có phát triển nóng như Seoul?
11:50, 19/04/2021