Đua nhau bỏ cọc đất đấu giá: Cần chế tài mạnh
Hiện tượng bỏ cọc đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất liên tục diễn ra tại các địa phương gần đây khiến dư luận cho rằng đã đến lúc cần chế tài mạnh.
Theo kết quả rà soát của huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang (Bắc Giang), trong các phiên đấu giá đất năm nay, đến thời điểm này hai địa phương trên có 29 lô đất trúng đấu giá nhưng khách hàng bỏ cọc.
ĐUA NHAU BỎ CỌC
Trong đó, huyện Lạng Giang có 3 lô thuộc khu dân cư thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh đã được san lấp mặt bằng, làm hạ tầng nhưng khách hàng bỏ cọc. Các lô đất này được đấu giá cách đây khoảng 4 tháng, diện tích 90 m2/lô, giá khởi điểm 495 triệu đồng/lô, giá trúng từ 900 - 969 triệu đồng/lô, chênh so với giá khởi điểm gần gấp đôi.
Tương tự, TP Bắc Giang hiện có 26 lô đã đấu giá trong đợt đầu năm nay bị bỏ cọc. Các lô đất trên có diện tích từ 51 đến hơn 120 m2/lô với tổng tiền đặt cọc 6,1 tỷ đồng. Tổng giá trúng hơn 102 tỷ đồng, cao hơn mức giá khởi điểm khoảng 40 tỷ đồng.
UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) mới đây cũng có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 46 lô đất ở xã Xuân Sinh, do những người trúng đấu giá không nộp tiền, bỏ cọc.
Ông Lê Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh cho biết, 46 lô đất trên được tổ chức đấu giá vào tháng 4/2021, giá khởi điểm là 250 triệu/lô 125m2. Thời điểm bán hồ sơ có hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia, chủ yếu là người dân địa phương. Tuy nhiên, khi tổ chức đấu giá, một số người ở nơi khác đến bỏ với giá cao dao động từ 1,1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng/ lô nên người dân địa phương không trúng được lô nào.
Theo danh sách trúng đấu giá, 46 lô đất trên được 8 người “ôm” hết, tổng số tiền trúng đấu giá lên tới hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng từ khi có kết quả trúng đấu giá đến nay, những người trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính nên đành phải bỏ cọc sau khi hết thời gian theo quy định.
Tại Nghệ An, thời điểm cuối tháng 3/2021, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành đã tổ chức đấu giá 32 lô đất, giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu giá đất phải đặt cọc 100 triệu đồng. Trong phiên đấu giá có trên 200 hồ sơ của người dân khắp nơi về tham gia. Qua đấu giá đất được đẩy lên hơn gấp đôi giá khởi điểm, đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng.
Hạn nộp tiền trúng đấu giá đất là ngày 26/4, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ mới có 18/32 lô đất hoàn thành.
Ông Nguyễn Sĩ Tùng - Chủ tịch UBND xã Nhân Thành (Yên Thành) cho biết: Các lô đất trúng đấu giá không nộp tiền theo quy định hiện nay xã đã trình cấp có thẩm quyền xin hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại. Còn số tiền đặt cọc 100 triệu đồng của các lô đất trúng đấu giá nhưng đến hạn không hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ sung công quỹ Nhà nước theo quy định.
Chia sẻ với PV, một nhà đầu tư cho biết, nguyên nhân bỏ cọc cả trăm triệu đồng "tháo chạy" khỏi lô đất trúng đấu giá là do một số đối tượng đầu cơ đẩy giá đất lên quá cao, sau đó không bán lại được; có lô đất giá khởi điểm trên 700 triệu đồng nhưng các đối tượng lại đẩy lên trên 2 tỷ đồng.
HẠN CHẾ GIAO DỊCH ĐẤT TRÚNG ĐẤU GIÁ
Ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc Công ty LDG Group chỉ rõ, sau mỗi cơn sốt đất đều có bàn tay những nhóm cá mập tác động, tạo thị trường. Trong 100 người đua theo sốt đất thì 80 người “chết yểu”, chỉ tầm 20 người là thành công thoát ra.
Thực tế này dễ dàng nhìn thấy ở bài học từ thị trường Nhơn Trạch và cả TP.HCM nhiều năm trước đây. Đâu thiếu nhà đầu tư cầm cố tài sản, sổ tiết kiệm, vay nóng mua đất rồi ôm đất và tán gia bại sản vì không ra được hàng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc EZLand cho biết điểm khác giữa cơn sốt đất hiện nay và cách đây 10 năm chính là phương thức đặt cọc và tính hiện hữu của sản phẩm đầu tư.
Thời điểm 2011 – 2012, nhà đầu tư đổ tiền vào ngay cả sản phẩm không có thật, còn hiện tại, đất nền vẫn là sản phẩm hiện hữu, có pháp lý rõ ràng. Mặt khác, thời điểm đó, nhà nhà lao vào cơn sốt đất, “ôm quá sâu”, số tiền bỏ ra quá lớn, do đó mới xuất hiện tình trạng nhà đầu tư cuối cùng ôm đất cả 10 năm không thể thoát hàng.
“Còn hiện tại, mỗi lô đất chỉ cần cọc 100 – 200 triệu đồng, sau đó sang tay cho người khác, nhà đầu tư luôn tìm cách để giảm thiểu rủi ro. Hiện tượng bỏ cọc mới đây cũng là minh chứng cho tâm lý thà bỏ cọc còn hơn “lún sâu” của nhà đầu tư” – ông Toản cho cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá đất leo thang do đầu tư "lướt sóng", cứ thế nhảy lên, về bản chất chỉ làm lợi cho nhóm "cò mồi", còn người mua càng về sau càng thua thiệt khi phải chịu giá quá cao, dù chịu bỏ cọc cũng gây thiệt hại lớn cho kinh tế.
Về vấn đề này, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nêu rõ: Trong hoạt động đấu giá đất hiện nay tại các địa phương hầu hết người tham gia đấu và trúng lại không phải là người dân có nhu cầu thật về nhà ở mà chủ yếu là các cá nhân tham gia đầu tư, đầu cơ, có cả người ở địa phương khác đến đầu giá.
Tình trạng này đang làm méo mó đi mục đích của việc đấu giá đất và gián tiếp tạo ra những khu đất bỏ hoang sau đấu giá khi các cơn sốt đất qua đi mà bài toán gia tăng đất ở cho cư dân hiện hữu thì vẫn không giải quyết được.
Đối với vấn đề làm sao đưa đất vào thị trường thông qua đấu giá một các hợp lý nhất, tránh "vô tình" tạo điều kiện cho đầu cơ, thổi giá đất hay nhãn tiền nhất là việc NĐT dù trúng đấu giá đã bỏ cọc, theo các chuyên gia có thể xem xét phương án cấm hoặc hạn chế giao dịch ngay đối với thửa đất vừa trúng đấu giá cũng như đánh thuế nặng nếu sau một thời gian nhất định mà không đưa mảnh đất vào sử dụng.
"Khi không thể "bám" vào đất đấu giá để đầu cơ, thổi giá thì giá đấu cũng sẽ không bị thổi lên quá cao đến mức "ảo" và điều này sẽ giúp những người dân hiện hữu tại các địa phương có nhu cầu về nhà ở có thể tiếp cận được" - GS Võ bày tỏ quan điểm.
Để tránh tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất, tỉnh Thanh Hóa đã ra quy định mới về thời gian đóng tiền sử dụng đất, thuê đất và mức đặt cọc tối thiểu. Theo đó, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đặt trước mức tiền 20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Khoản tiền này được thu tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản riêng của tổ chức đấu giá tài sản. Số tiền đặt cọc này sẽ không được hoàn lại nếu người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá mà không có lý do bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá; từ chối ký biên bản đấu giá; rút lại giá đã trả hay từ chối kết quả trúng đấu giá. Sau khi trúng đầu giá đất phân lô (thửa), chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, người trúng đấu giá phải nộp đủ 100% tiền sử dụng đất. |
Sốt đất ăn theo quy hoạch, nhà đầu tư cẩn thận “bỏng tay”
14:00, 29/09/2021
Thanh Hóa chấn chỉnh hiện tượng sốt đất ảo thao túng thị trường
13:00, 29/09/2021
Lo ngại sốt đất trở lại
00:30, 21/09/2021
Hà Tĩnh xuất hiện cơn sốt đất mới
03:30, 19/09/2021
Có nên đầu tư đất nền hậu sốt đất?
17:28, 03/09/2021