Mặc dù phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vẫn chưa được thông qua, tuy nhiên không ít môi giới đã rầm rộ đẩy giá nhà đất xung quanh khu vực dự kiến có cầu đi qua.
Việc thổi giá đất khi có đề án quy hoạch, dự án mới đã không còn xa lạ trên thị trường bất động sản. Gần đây nhất, sau khi UBND thành phố Hà Nội chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo.
Trong khi phương án kiến trúc còn đang làm nóng dư luận thì giá đất tại những khu vực dự kiến dự án đi qua cũng nóng không kém.
Được biết, dự án cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km, điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông, thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên.
Mặc dù dự án cầu Trần Hưng Đạo vẫn còn "nằm trên giấy", tuy nhiên đã không ít cò đất đã ‘thổi giá’ đất những khu vực mà dự kiến cây cầu này sẽ chạy qua. Cụ thể là địa phận các quận Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ), Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy).
Theo khảo sát của PV, tại khu vực Cổ Linh (quận Long Biên) quy hoạch đầu cầu Trần Hưng Đạo, miếng đất rộng 270m2 mặt tiền 40m với giá 75 tỷ đồng (trung bình gần 280 triệu đồng/m2 đang được rao bán. Người bán mời chào, ô đất nằm ở mặt phố mới, tương lai đẹp nhất quận Long Biên vì ngay điểm giao với đường dẫn lên cầu Trần Hưng Đạo.
Hay một mảnh đất có diện tích 835 m2 (mặt tiền 24m) được giới thiệu nằm giữa phố Hồng Tiến Lô góc, kinh doanh sầm uất, với hàng loạt những cây cầu sắp triển khai như: Cầu Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2… hiện đang được rao bán với giá 250 tỷ (tương đương gần 300 triệu đồng/m2).
Theo anh Đỗ Linh, một môi giới vừa “chuyển vùng” hoạt động từ Mê Linh (Hà Nội) sang khu vực này cho biết các khu vực như đường Hồng Tiến, Cổ Linh hưởng lợi trực tiếp từ dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 và cầu Trần Hưng Đạo, kết nối giao thông thuận lợi đang tăng nhanh chóng, nhất là khi “mở cửa”.
Cũng theo anh Linh từ khi chính thức có đề xuất kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, thị trường sôi động hơn hẳn, giá cũng vì thế mà tăng nhanh, nóng hơn cả tranh luận về “kiến trúc xứ Đông Dương” của cây cầu.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng
Thực tế cho thấy, việc xuất hiện những cơn sóng sốt nóng giá đất ăn theo thông tin quy hoạch dự án hạ tầng đã tồn tại nhiều năm nay.
Mới đây nhất, ngoài trường hợp của cầu Trần Hưng Đạo, việc giới đầu cơ đua nhau thổi giá đất cũng hiện hữu đối với dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, dự án hơn 90.000 tỷ đồng này sẽ chạy qua hàng loạt các khu đô thị lớn như tại Hưng Yên, Hà Nội, Hoài Đức, Bắc Ninh hứa hẹn sẽ là một cú hích cho thị trường bất động sản.
Cũng giống như quy hoạch cầu Trần Hưng Đạo, dự án đường Vành đai 4 vẫn chưa ‘chốt’ tuy nhiên trên trang về mua bán BĐS liên tục đăng bài quảng cáo về dự án nhà liền kề, biệt thự “ăn theo” đường Vành đai 4 với nội dung như : “Dự án tọa lạc tại giao lộ vành đai 4 và đường Tố Hữu – trục giao thông chính phía Tây Nam Hà Nội…”.
Tương tự, trước đó, giá đất tại khu vực phố Chùa Bộc cũng đã có một phen dậy sóng khi có thông tin tuyến phố nàyđược đền bù giải tỏa để mở rộng. Khi đó, giá nhà đất tại đây từ mức giá chỉ hơn 100 – 150 triệu đồng/m2 cho những lô mặt đường đắt giá, giá đất chào bán tại khu vực tăng gấp 2 – 3 lần sau các lời rao bán trong vòng vài tháng ngắn ngủi.
Theo các chuyên gia, việc “sóng đất dập dồn tăng nóng theo thông tin quy hoạch” là thực tế đã tồn tại nhiều năm và cũng đã có không ít nhà đầu tư nhanh nhạy thắng lớn. Tuy nhiên, ngược lại, cũng không ít dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao như NĐT mong đợi.
Bài học gần nhất là khi Hà Nội công bố thông tin về 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, đất đai, bất động sản ở khu vực có các cây cầu dự định đi qua đã bị giới đầu cơ đồn thổi dẫn đến giá đất tăng vọt.
Thậm chí trong “cơn sốt” đất hồi Quý I/2021, giá đất ở một số khu vực huyện ngoại thành có cầu đi qua còn cao hơn rất nhiều lần giá đất nội thành. Tuy nhiên, khi Hà Nội công bố dừng 82 dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), bao gồm một số dự án trong 10 cây cầu kể trên, nhiều người mới “vỡ mộng” vì trót “ăn theo” hạ tầng giao thông”.
Trước những diễn biến nóng sốt có dấu hiệu “đầu cơ, thổi giá”, hồi cuối tháng 8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn có thể tập trung vào thị trường bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực Hội môi giới BĐS Việt Nam các nhà đầu tư cần cẩn trọng, tránh sa lầy vào tình trạng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án của các cò đất.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), giá cả thị trường được quyết định bởi 3 quy luật, quy luật giá trị, quy luật cung, cầu và quy luật cạnh tranh. Đối với giá cả thực tế còn chịu sự tác động của tiện ích, dịch vụ, trong đó có hạ tầng giao thông, tuy nhiên dạng đầu tư này nhà đầu tư cần xác định là dài hạn và không phải dự án nào cũng “đúng tiến độ”.
“Nếu không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo “cơn sốt” mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn”, ông Châu khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội chưa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo
02:00, 27/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: cũng đề xuất xã hội hóa sâu việc xây dựng hạ tầng hàng không?
15:41, 28/09/2021
Hạ tầng nghìn tỷ khơi thông mạch thịnh vượng cho khu Đông Hà Nội
16:32, 22/09/2021
"Đòn bẩy thép" từ quy hoạch hạ tầng Hà Nội
21:29, 13/09/2021