Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa gửi công văn tới UBND TP Hà Nội đề xuất cân nhắc, xem xét, nghiên cứu cẩn trọng kiến trúc dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng.
TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, sau khi tổng hợp đa số ý kiến các chuyên gia kiến trúc trong và ngoài Hội cũng như nhiều chuyên gia đa ngành, Hội Kiến trúc sư Việt Nam thống nhất đây là một cơ hội cho Hà Nội khẳng định thêm vị thế của một thành phố sáng tạo, đổi mới đi đầu cả nước. Do đó, kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cần phải trở thành một biểu tượng của thời đại, phản ánh được tư tưởng của thời kỳ khai sinh ra nó, phải là kết tinh của công nghệ, khoa học và trí tuệ hiện tại, hướng tới tương lai.
Theo TS-KTS Phan Đăng Sơn, cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hoá đương đại. Chính vì vậy, rất không nên lặp lại phong cách kiến trúc “Đông Dương” như thuyết minh của tác giả đồ án.
Công văn do Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam ký nêu rõ: Đây là công trình công cộng rất quan trọng, điểm nhấn trong khu lõi đô thị và trên các tuyến đường chính của Hà Nội nên quy trình thực hiện cần đặt lên hàng đầu yếu tố cẩn trọng tuyệt đối, tránh hậu quả đáng tiếc, không còn cơ hội sửa chữa. Vì vậy, không nên tiếp tục vận dụng yếu tố quá độ quy định pháp lý theo hình thức tuyển chọn mà nên thực hiện thi tuyển kiến trúc, theo quy định của Luật Kiến trúc (điều 17, khoản 2).
"Hơn nữa, phương án đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng, pha trộn hỗn tạp với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ… Nếu muốn khai thác giá trị kiến trúc Pháp thuộc thì chỉ nên phát triển tinh thần cốt lõi của kiến trúc đó trong Kiến trúc Cầu hiện đại. Đó là sự ổn định, đĩnh đạc, sang trọng, thanh nhã", Hội Kiến trúc sư góp ý.
Hội cũng cho rằng kiến trúc Cầu Trần Hưng Đạo rất cần và nên mang tinh thần mới, đơn giản, thanh thoát, cần xem xét kỹ càng về tỷ lệ và kiến trúc tất cả các bộ phận hình thái như các tháp - trụ cầu, mố cầu, lan can cầu…
Đồng thời, các điểm dừng ngắm cảnh bố cục trên phần đường đi bộ của cầu cần được chú ý. Về mặt lưu thông, đây là tuyến tốc độ giao thông lớn, nên kiến trúc cầu càng cần mạch lạc, thanh giản nhằm đạt an toàn cao khi sử dụng, đồng thời tạo được dấu ấn biểu tượng.
Vì những lý do trên, nếu vẫn bắt buộc tiếp tục phát triển theo hướng đã lựa chọn của Hội đồng tuyển chọn là phương án bố trí 2 cụm trụ, thì phải chỉnh sửa căn bản để đạt được yêu cầu: Có hình thái kiến trúc tiếp biến bản sắc Việt Nam kết hợp với hiện đại, không bị trùng lặp với các công trình cùng dạng đã có...
Nhiều địa phương cũng đã thực hiện thi tuyển kiến trúc công trình cầu như cầu Thủ Thiêm 2 ở TP.HCM, cầu đi bộ qua sông Hương ở TP.Huế…
“Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẵn sàng cử các kiến trúc sư giàu kinh nghiệm để cùng thành phố tiếp tục quá trình lựa chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tốt nhất, đáp ứng được các yêu cầu của thành phố đặt ra thông qua thi tuyển phương án kiến trúc theo quy định của pháp luật”, KTS Phan Đăng Sơn cho hay.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, đến nay vẫn chưa "chốt" phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Theo đó, Thành phố mới giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo.
Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo) cũng khẳng định, đây chưa phải là phương án cuối cùng để phê duyệt dự án đầu tư mà đây chỉ là phương án định hướng, sơ bộ ban đầu, trong quá trình sẽ hoàn thiện dần.
“TP sẽ lấy ý kiến theo 2 hướng. Thứ nhất, đóng góp thẳng vào phương án để làm tốt lên. Thứ hai, nếu có phương án nào khác hẳn, độc đáo theo đúng tiêu chí độc đáo, điểm nhấn của Thành phố thì Hội đồng kiến trúc sẽ xem xét để chọn ra phương án tốt nhất, đẹp nhất, là biểu tượng của Thành phố. Sau đó, sẽ triển lãm, trưng cầu lấy ý kiến của người dân để có sự đồng thuận” – ông Trúc Anh cho biết thêm.
Cầu Trần Hưng Đạo là dự án cầu BOT đầu tiên của Hà Nội, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia 4.204 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện năm 2022-2025.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng của Hà Nội, người đã có nhiều năm gắn bó, nghiên cứu về quy hoạch, kiến trúc của Thủ đô cho rằng việc thiết kế cầu cần phải được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu đã được duyệt.
Do đó, đơn vị thiết kế cần phải có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không “lạc lõng” trong quy hoạch tổng thể. Đặc biệt phải đảm bảo tính kết nối với các vùng hai bên đầu cầu không chỉ về mặt giao thông mà còn cả về mặt giao thoa văn hóa, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.
Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cầu được xây dựng để phục vụ cả cộng đồng dân cư, cả xã hội. Ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng.
“Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai nên không thể lựa chọn theo cách áp đặt. Cho nên chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân”, KTS.Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Cầu Trần Hưng Đạo nghìn tỷ ở Hà Nội: Nốt trầm trong kiến trúc
04:00, 18/09/2021
5 định hướng chính quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
01:18, 26/09/2021
Đã đến lúc đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng
02:59, 25/09/2021
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ II): Những giải pháp quy hoạch
06:00, 24/09/2021
Khi nào Quy hoạch khu đô thị sông Hồng được thực hiện?
17:26, 23/09/2021
Đã đến lúc quyết liệt để hiện thực thành phố ven sông Hồng
16:05, 23/09/2021