Các chuyên gia cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ phát triển về phía bờ đông sông Hồng với những lợi thế đến từ hệ thống hạ tầng kết nối hình thành trong tương lai.
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến "Thị trường bất động sản Hà Nội: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng", KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Hà Nội sau 10 năm phát triển, diện tích Thủ đô đã được tăng lên từ 924km2 lên 3.359 km².
Đây là một cuộc cách mạng với Thủ đô, mở rộng ra các trục phát triển Bắc – Nam, Đông - Tây. Với diện tích lớn như vậy, những năm qua, Hà Nội cũng đã xác định xây dựng hệ thống giao thông kết nối các khu vực Bắc - Nam, Đông - Tây, trong đó là các tuyến đường cao tốc, hạ tầng hết nối bằng những cây cầu lớn.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã có 5 đô thị vệ tinh, phát triển phụ trợ, giảm tải cho áp lực nội đô, trong đó có thể kể đến những đô thị đã được đầu tư nguồn lực rất lớn như đô thị công nghệ cao Hòa Lạc.
Tổng thể chung, ông Chính cho biết, với sự đầu tư đồng bộ như trên, thị trường bất động sản Hà Nội đã phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua.
Theo ông Chính, nhìn lại quá trình quy hoạch và phát triển của Thủ đô, chúng ta có thể thấy những hướng phát triển đúng đắn. Mặt khác, quy hoạch chung hiện tại cũng xác định sẽ có 2 đại lộ 6 làn xe chạy song song với 2 bờ sông Hồng bờ sông Hồng ở bờ Bắc và bờ Nam, mỗi đại lộ 6 làn xe, riêng điều kiện này đã nâng tầm hấp dẫn cho bất động sản ven bờ sông Hồng.
“Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng hiện tại xác định quỹ đất lên tới 11.000 ha, có thể nói là khối lượng rất lớn và sẽ là giải pháp giải quyết rất lớn về quỹ đất xây dựng nhà ở, giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân” – ông Trần Ngọc Chính bày tỏ kỳ vọng về bất động sản.
Tuy nhiên, cũng theo ông Chính, hiện tại quy hoạch sông Hồng đã bị vướng mắc quá lâu về vấn đề trị thủy, dòng chảy của sông, đã đến lúc giải quyết vướng mắc này để đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng.
Trong khi đó, chia sẻ tại Diễn đàn, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng TƯ Hội KTS Việt Nam cũng cho rằng: “Làm thế nào để có thể khai thác được quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, tạo ra không gian xanh, vành đai xanh cho Thủ đô là vấn đề mà chúng ta cần tính tới bây giờ”.
Ông Tùng cho biết, thực ra chiều dài sông Hồng chạy qua Hà Nội không nhiều, nhưng thượng nguồn sông năm ở địa phận Trung Quốc có tới 19 đập, do đó vấn đề phòng chống lũ đang trở thành rào cản với việc phát triển đô thị ven sông. Có thể nói, đô thị sông Hồng đã bị kìm hãm quá lâu bởi dòng chảy phương Bắc.
Theo ông Tùng, đã đến lúc chúng ta đổi mới quyết liệt, không thể quay lưng vào dòng sông nữa. “Trong khi ở phía Đông chúng ta đã có những đô thị rất thành công như Vinhome Ocean Park, Ecopark với quy mô lớn, không gian thoáng, tạo lập không gian sống hấp dẫn. Nhưng nếu 2 bên phát triển không đồng đều không thể thu hút được nhà đầu tư” – ông Tùng cho biết.
Vị chuyên gia cho rằng, đại dịch COVID-19 xảy ra ở Hà Nội, TP HCM và hầu hết các đô thị trên cả nước đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá không chỉ trong trong quản trị, quản lý vận hành mà cả trong quy hoạch phát triển đô thị. Đã có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh chính là do “cấu trúc không gian đô thị bất hợp lý".
Thực tế đã cho thấy, các ổ dịch bệnh xảy ra thường tập trung ở các khu vực ngõ, hẻm có hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn, mật độ dân cư cao, phức tạp... khả năng phòng chống dịch bệnh yếu hơn rất nhiều so với dân cư sống trên các mặt phố. Câu chuyện di chuyển hơn ngàn dân của Phường Thanh Xuân Trung ở Hà Nội, nơi có nhiều khu nhà ở tập thể cũ nát, chật chội, đông dân đến khu cách ly chỉ trong một ngày đêm vừa qua là một ví dụ.
Ông Tùng khẳng định, bằng công nghệ mới, quy hoạch mới, chính sách mới sẽ giải quyết được vấn đề sử dụng quỹ đất, phát triển nhà ở. Cần sửa Luật Đê điều để có thể thúc đẩy phát triển, đô thị sông Hồng sẽ là mảnh đất sáng tạo cho các nhà đầu tư.
“Đô thị ven sông Hồng sẽ thu hút những nhà đầu tư thông minh, có tư duy lớn. Song Nhà nước, Hà Nội phải dành nguồn lực ban đầu cho đô thị này, đô thị sông Hồng cho thấy sức hút mạnh mẽ hơn cả đô thị vệ tinh với 10 cây cầu được quy hoạch thêm”- ông Tùng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Hiện thực hoá "giấc mơ đô thị ven sông"
16:28, 23/09/2021
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Hấp lực từ khu vực phía Đông
15:54, 23/09/2021
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Động lực hình thành thành phố ven sông đáng sống
14:21, 23/09/2021
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Bất động sản: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng
13:30, 23/09/2021
Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng
12:45, 23/09/2021
Chiều 23/9: Diễn đàn Bất động sản trực tuyến: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng
11:50, 23/09/2021