Lãnh đạo TP Hà Nội vừa thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn đầu tư công, gồm cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng trên địa bàn TP.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng vốn đầu tư công (theo hướng hợp đồng EPC). Phân công Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Trung Quốc và Tập đoàn Vingroup để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương xem xét tờ trình của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1/2025.
Bên cạnh đó, tham mưu bố trí vốn đầu tư công thực hiện dự án đầu tư. Trước đó, tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính gần 20.000 tỷ đồng.
Thứ hai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường hai đầu cầu bằng vốn đầu tư công. Giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư.
Thứ ba, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất về chủ trương thực hiện Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu bằng vốn đầu tư công (vốn của Hà Nội, Hưng Yên và vốn hỗ trợ từ Trung ương).
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tham mưu, để xuất UBND Thành phố việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính qua sông Hồng, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12/2024.
Được biết, Hà Nội đang có 8 cầu qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1, 2), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang. Trong đó, có 6 cây cầu ở các quận nội thành Hà Nội.
Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô cũng như kết nối giao thông liên vùng.
Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, trước đây chỉ mới có phía bờ Tây của sông Hồng được tập trung phát triển, trong tương lai vai trò của những cây cầu sẽ ngày càng quan trọng hơn, làm cho thành phố trở thành một mảng liền mạch, rõ ràng hơn về không gian đô thị.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cũng nhìn nhận, cùng với việc mở rộng nội đô, việc xây dựng cầu sẽ giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô lịch sử, khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, chuyển đổi cấu trúc cơ cấu kinh tế (làng nghề, công nghiệp…).
"Những cây cầu này sẽ giúp liên kết mạng đường giao thông với cả khu vực phía bắc. Thêm vào đó, khi hình thành được những cây cầu mới, không chỉ những khu vực tiệm cận với cây cầu mà ngay cả những khu vực xung quanh cây cầu cũng sẽ có những thay đổi tích cực" - ông Nghiêm bày tỏ.