Xây dựng Hà Nội thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”
Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô có vị thế trong khu vực và thế giới.
Trong những năm qua công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt nội đô ngày càng khang trang, hiện đại.
“Nâng tầm” đô thị Hà Nội
Chỉ cách đây khoảng 5 năm, người dân Hà Nội khó có thể hình dung diện mạo đô thị, nền kinh tế, diện mạo của Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh đến như vậy. Sự “thay da, đổi thịt” ấy đến từ công tác xây dựng, phát triển không gian đô thị và đã có những thành công bước đầu với những bước tiến đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Hà Nội còn phát triển nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới hiện đại, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống mới, văn minh, hiện đại…
Sự “nâng tầm” của đô thị Hà Nội được bắt đầu mạnh mẽ từ khi từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008 và đặc biệt, sau 5 năm triển khai Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020”.
Có thể nói, Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội thời gian qua đã thực hiện có hiệu quả, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi đột phá chứ không chỉ thay đổi như các nhiệm kì trước. Sự thay đổi được thể hiện rõ nét cả ở khu vực thành thị cũng như ở nông thôn. Đặc biệt, trong khu vực nội đô, định hướng phát triển thông qua các quy hoạch đã được chú trọng và đẩy mạnh.
Trong đó dấu ấn đậm nét nhất là vừa qua Hà Nội đã ban hành các quy hoạch và phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên với khoảng hơn 60 các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong khi các năm trước mỗi năm chỉ độ 15-20 đồ án. Đến đầu năm 2020, Hà Nội cơ bản hoàn thành các loại quy hoạch. Việc hoàn thiện này là một trong những thành tựu lớn, những công cụ, định hướng cơ bản, một minh chứng cho việc Hà Nội đã quyết liệt triển khai quy hoạch.
Một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (cũ) với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau sáp nhập và các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận. Nhờ đó, những vùng đất ven đô vốn một thời hoang vắng xưa kia đã chuyển mình mạnh mẽ, với hàng trăm các dự án quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai như: An Khánh, Văn Quán, Thiên đường Bảo Sơn, Việt Hưng, Mỹ Đình,... Ngày càng nhiều trung tâm thương mại, mua sắm: Vincom (quận Hai Bà Trưng), Aeon Mall (quận Long Biên, quận Hà Đông); Lotte (quận Ba Đình),... hình thành, trở thành các điểm đến thương mại - văn hóa - xã hội, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Thời gian gần đây, vấn đề quy hoạch đô thị Hà Nội tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và coi như một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong giai đoạn khi Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giữ vị trí Bí thư Thành ủy.
Theo đó 02 quy hoạch có thể coi là quan trọng bậc nhất là 06 Đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sau nhiều năm lên ý tưởng đã dần thành hình và hứa hẹn sẽ tạo ra một bước đột phá mới để nâng tầm đô thị đặc biệt Hà Nội.
Trong đó, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao trùm 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt vào tháng 3/2021. Quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở pháp lý ban đầu, sau đó chính quyền các quận phải triển khai tiếp những quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại các ô quy hoạch để cấp phép xây dựng, cụ thể hóa định hướng của quy hoạch phân khu.
Với đồ án quy hoạch quy hoạch phân khu sông Hồng thực, đây là quy hoạch lần này đã kế thừa toàn bộ những thành quả của các nghiên cứu trước đó và có thể nói là bản quy hoạch hoàn thiện nhất từ trước đến nay với điểm nhấn là việc lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của Thành phố. Như vậy, phải phát triển sông Hồng chảy giữa thành phố, các vùng đều phát triển đồng bộ.
Theo đó, sắp tới đây, sẽ có một số huyện như Gia Lâm, Đông Anh thành quận, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn, việc xây thêm các cây cầu có tác dụng rất lớn để tạo động lực cho khu vực tả ngạn (phía Bắc sông Hồng) phát triển, giúp giãn dân nội đô, tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội.
Diện mạo mới cho Thủ đô
Trong định hướng phát triển, chúng ta đã khẳng định, phải xây dựng một Hà Nội không chỉ xứng tầm là Thủ đô của cả nước, mà còn phải là đô thị có vị trí ở khu vực và trên thế giới. Vậy một đô thị muốn có sức cạnh tranh, muốn phát triển lớn mạnh không phải chỉ hòa đồng với các đô thị khác mà còn phải tạo ra được bản sắc riêng. Bản sắc riêng ở đây chính là một Hà Nội xanh, nhưng cái xanh ở đây không chỉ là nông nghiệp, lâm nghiệp mà còn phải thể hiện ở cả các khu bảo tồn, ở cả các khu nội đô cũ.
Theo đó, để giải quyết các vấn đề quản lý xã hội, tạo lập môi trường sống tốt cho người dân, cùng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26 -7 - 2011), Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”.
Định hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. Trong đó, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, cách thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.
Thời gian qua, Thành phố đã tăng cường các trạm quan sát để có những giải pháp xử lý kịp thời; vấn đề nước thải, cảnh quan đô thị cũng đã dần được giải quyết, tạo ra cảnh quan xung quanh, ven hồ. Trong nội đô, công tác khai thác, sử dụng đường vỉa hè, kết nối giao thông cũng đã được chú trọng, đẩy mạnh các khu đô thị mới theo hướng hiện đại. Sự đột phá trong diện mạo được thể hiện cả về không gian kiến trúc, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt tạo ra diện mạo mới xanh - sạch - đẹp - văn minh - hiện đại-đáng sống.
Những vấn đề đặt ra
Trong bối cảnh hiện nay, mô hình chùm đô thị đã được áp dụng thành công ở nhiều nước, góp phần phát triển kinh tế, quản lý dân số và bảo tồn di sản. Theo đó, quản lý đô thị tốt là yếu tố quan trọng, là yêu cầu cấp bách, là đột phá với Hà Nội để bảo đảm phát triển bền vững.
Bên cạnh những việc phát triển khu đô thị thì Hà Nội cũng đã có những khu đô thị ngang tầm với một số nước hiện đại trên thế giới như đã có nhiều công trình được khen thưởng về kiến trúc xanh ví dụ như khu đô thị thông minh trên đường Võ Nguyên Giáp, khu đô thị xanh, khu đô thị đáng sống... tuy nhiên đây là một quá trình dài hơi và không ngưng nghỉ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại trong việc giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ; việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, các trường đại học còn chậm; quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; giao thông chưa đạt được như kỳ vọng; cấu trúc phương tiện giao thông công cộng đang còn thấp mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi ở một số tuyến đường công cộng…
Trong thời gian tới, để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện định hướng xây dựng Thành phố “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” vẫn cần xem xét kết cấu hạ tầng là một bước đột phá, phải xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
Cụ thể, phát triển hiện đại nhưng cần toàn diện cả đô thị và nông thôn, để nâng tầm Thủ đô phát triển thành đô thị đặc biệt.
Trước mắt tập trung vào giao thông để kết nối với các tỉnh lân cận, kết nối nội đô với ngoại thành. Chú trọng hơn nữa về hiện đại hóa kết cấu hạ tầng để biến định hướng thành hiện thực thì quan trọng nhất là phải thu hút được nguồn lực.
Cuối cùng, một điểm quan trọng không kém để hiện thực hóa quy hoạch trong bối cảnh vốn ngân sách Nhà nước thì có hạn, do vậy phải đẩy mạnh việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực trong nước, thu hút nguồn lực từ nước ngoài./.
Có thể bạn quan tâm
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Tích hợp quy hoạch để giải quyết bài toán của ĐBSCL
07:58, 09/10/2021
Trao giải cuộc thi ý tưởng quy hoạch trụ sở các Bộ ngành
21:01, 08/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng
20:10, 04/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030
19:25, 27/09/2021
Sốt đất ăn theo quy hoạch, nhà đầu tư cẩn thận “bỏng tay”
14:00, 29/09/2021
"Quy hoạch là nguồn lực của nguồn lực, quyết định sự thành công của khu công nghiệp"
01:00, 25/09/2021
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ II): Những giải pháp quy hoạch
06:00, 24/09/2021