Tách GPMB thành dự án riêng: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Việc đẩy nhanh thí điểm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư được xem là "chìa khóa" để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
>>Định giá đất và vấn đề dữ liệu
>>2 mặt của tăng giá đất
NHIỀU DỰ ÁN VƯỚNG GPMB
Vừa qua, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tha thiết đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho tách dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) giao cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư đối với các dự án đi qua địa phương để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Tạo cho rằng thời gian qua việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được triển khai có nhiều lý do, trong đó có một lý do khách quan tồn tại kéo dài nhiều năm là công tác GPMB.
Tại Dự thảo Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ mới đây cũng đã chỉ ra rất rõ những vướng mắc liên quan đến GPMB trong các dự án.
Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, với dự án đầu tư công và PPP, công tác GPMB là “điểm nghẽn” đối với tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đội vốn, tăng tổng mức đầu tư đối với nhiều dự án.
Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT hiện tại, pháp luật hiện hành đã cho phép tách công tác GPMB thành dự án độc lập, dự án thành phần hoặc tiểu dự án để thực hiện đối với một số loại dự án. Tuy nhiên, tồn tại, bất cập cũng vẫn còn. Chẳng hạn, với dự án đầu tư công, Luật Đầu tư công quy định, trong trường hợp cần thiết, với các dự án nhóm A, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập.
Mặc dù vậy, lại chưa quy định cụ thể việc thực hiện GPMB được tách riêng ra từ dự án tổng thể; chưa có cơ chế, chính sách để đảm bảo thực hiện riêng công tác GPMB, chưa giải quyết được các điểm nghẽn trong các quy định cho phù hợp với yêu cầu phát triển, Bộ KH&ĐT nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết nhiều dự án giao thông đang chậm do công tác GPMB. “Chẳng hạn, dự án Cát Linh - Hà Đông, việc thi công, lắp đặt ba năm là xong nhưng khởi công khi chưa có mặt bằng để khảo sát thiết kế nên kéo dài thời gian…” - ông Đông dẫn chứng.
Nhận định về thực trạng trên tại Quốc hội vừa qua, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng cho rằng không thể đứng nhìn tình trạng chậm triển khai dự án như thế trong nhiều năm. Việc này liên quan đến công tác bồi thường, GPMB.
>>“Sóng ngầm” giá đất lên đô thị
>> Mê Linh-Hà Nội: Ai đang thổi giá đất lên cao?
3 VẤN ĐỀ LỚN CẦN GIẢI QUYẾT
Trước những vướng mắc mà thực tế đặt ra, từ tháng 8/2021, Thủ tướng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án thí điểm về việc tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các tổ phó gồm thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đến nay, dự thảo đề án thí điểm đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020, điểm nghẽn lớn nhất là công tác GPMB và đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đội vốn của các dự án xây dựng hiện nay.
Cụ thể, theo thống kê, năm 2020, có 1.074 dự án trong tổng số 1.867 dự án được ghi nhận chậm tiến độ do liên quan công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án thí điểm tách hỗ trợ, bồi thường GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện nay khó khăn nhất của các dự án trung ương là công tác GPMB. Nếu giao cho địa phương thì địa phương mới chịu trách nhiệm, nếu không giao địa phương vẫn thực hiện nhưng trách nhiệm lại nằm ở trung ương, tức là của bộ quản lý ngành.
Được biết, hiện trong Dự thảo Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng việc thí điểm đối với dự án đầu tư công nhóm B, C ngay ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Mục đích tạo điều kiện để sẵn sàng mặt bằng sạch khi các thủ tục xây dựng hoàn thành, tránh tạo “nút thắt cổ chai” trong thực hiện dự án do theo Luật Đầu tư công, dự án nhóm A mới được tách GPMB ngay trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án nhóm B, C không được tách ra ở giai đoạn này nên công tác GPMB chậm triển khai. Đối với các dự án PPP, Bộ KH&ĐT đề xuất tách riêng GPMB, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư ngay ở khâu phê duyệt chủ trương.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nếu Dự thảo đề án được thông qua thì sắp tới phần GPMB sẽ giao cho các địa phương. Theo đó, địa phương có thể dùng ngân sách của trung ương đã cấp qua các bộ để triển khai GPMB, hoặc có thể dùng ngân sách địa phương để thực hiện. Làm như vậy, địa phương sẽ linh hoạt, chủ động và nhanh hơn.
Về nội dung này, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận công tác GPMB hiện vẫn đang là câu chuyện “đau đầu” với các doanh nghiệp khi triển khai dự án. Việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án là rất tốt để đảm bảo tiến độ triển khai của các dự án đầu tư tuy nhiên nếu không giải quyết được bài toán về giá đất thì có thể chính “dự án GPMB” lại cũng bị tắc.
Cũng theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung để “đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án” thực hiện được mục tiêu đề ra là tạo đột phá trong công tác GPMB thì các phương án đưa ra phải giải quyết được một số vấn đề quan trọng gồm:
Thứ nhất, cần đưa ra được quy định và hình thức về bảng và khung giá đất hợp lý để xác định giá đất trong đền bù GPMB khi thực hiện các dự án. Nếu cần thiết có thể tính đến việc xây dựng một cơ quan định giá đất độc lập để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi.
Thứ hai, cần tìm ra lời giải cho phương án dịch chuyển, vốn hóa đất đai phải quan tâm đến nguyên tắc chia sẻ lợi ích của bên nhận được đất và bên bị thu hồi đất.
Thứ ba, cần tính toán đến các phương án hỗ trợ bổ sung như cam kết hỗ trợ việc làm, dạy nghề,… khi thu hồi đất để người dân yên tâm và đồng thuận khi chuyển giao mảnh đất của mình cho doanh nghiệp, nhà nước thực hiện dự án, để người dân có thể “li nông bất li hương”./.
Có thể bạn quan tâm
Hóa giải nỗi lo tiến độ giải phóng mặt bằng
01:00, 04/11/2021
Bắc Giang: Tập trung giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư
10:32, 23/10/2021
Hải Dương: Thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng KCN An Phát 1
13:18, 28/09/2021
Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B khốn khổ vì... giải phóng mặt bằng
17:52, 11/11/2021
Hải Phòng: Quận Ngô Quyền bị phê bình trong giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công
18:17, 11/11/2021