Chốt thời hạn quy hoạch đô thị ven sông Hồng
Dự kiến sớm nhất cuối tháng 12/2021 và chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022 Hà Nội sẽ phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, trong tổng số 35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, đến nay TP đã phê duyệt 33 đồ án.
>>> Hà Nội yêu cầu nghiên cứu đề xuất của DĐDN về đồ án quy hoạch sông Hồng
>>> Hà Nội sẽ hình thành những "thành phố trong lòng thành phố"
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ThS.KTS Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng (QHXD) Hà Nội cho biết, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (QHPK sông Hồng) trải dài khoảng 40km dọc theo sông Hồng, đi qua địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, với quy mô diện tích khoảng 11.000ha.
- Sau hàng chục năm chờ đợi, Hà Nội sẽ phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Cụ thể tiến độ thực hiện quy hoạch ra sao, thưa bà?
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/2011 (viết tắt là QHC1259) xác định Sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.
Để triển khai lập QHPK sông Hồng, Viện QHXD Hà Nội tổ chức nhiều chương trình lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quy hoạch. Trong đó đáng chú ý, Diễn đàn “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức gần đây đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo tiếp thu nhiều nội dung.
Bên cạnh đó, Viện QHXD Hà Nội đã hoàn thiện phương án quy hoạch gửi xin ý kiến Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng theo quy định. Dự kiến, trong tháng 12/2021, Bộ Xây dựng sẽ có thỏa thuận thống nhất chính thức và chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022 Hà Nội có thể phê duyệt QHPK khu đô thị sông Hồng.
- Là đơn vị nghiên cứu, xây dựng đồ án, bà có thể cho biết các giải pháp quy hoạch dân cư trong đồ án trên?
Với đồ án QHPK sông Hồng, Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. Theo đó, Đồ án sẽ di dời các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Từng bước di dời một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn.
Các khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha, được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có (khoảng 60ha) để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ. TP sẽ cải tạo chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh, hạ tầng xã hội, các khu vực đất ở hiện có xuống cấp; phần đất ở còn lại sau khi mở đường theo quy hoạch sẽ được cải tạo, xây dựng lại, tái thiết đô thị.
5 bãi sông (Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức) được đề xuất xây dựng các khu chức năng đô thị có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm theo QHC1259, ưu tiên xây dựng các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ, các công viên cây xanh, bãi đỗ xe, quảng trường...
- Giải pháp giao thông và phương án chống lũ được tính toán ra sao thưa bà?
Các tuyến đê đoạn qua khu vực nội đô giữ theo hiện trạng (là đường liên khu vực MCN 4-6 làn xe). Các đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực (4 làn xe). Đường ven sông: Quy hoạch xây dựng 2 tuyến đường cấp đô thị (6-8 làn xe) chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới.
Theo quy hoạch, trong khu vực nghiên cứu có 12 cầu đường bộ kết nối các khu vực đô thị hai bên sông. Đồng thời cải tạo và xây dựng mới các cảng và bến thủy nội địa nhằm phát huy giao thông đường thủy với chuỗi không gian hai bên sông Hồng, phục vụ du lịch và phát triển đô thị.
Về giải pháp phòng, chống lũ – một trong những vướng mắc gây kéo dài thời gian duyệt bản quy hoạch cũng được thể hiện: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Xây dựng kè cứng, kè mềm theo từng khu vực. Nạo vét một phần bãi sông theo phương án phòng chống lũ chi tiết.
Giải pháp quy hoạch cơ bản đáp ứng được các mục tiêu: An toàn phòng, chống lũ; cải tạo chỉnh trang và tái thiết đô thị, ổn định và nâng cao đời sống cho dân cư hai bên sông.
- Xin cảm ơn bà!
Kiến trúc sư Ngô Trung Hải - Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam:
Về vấn đề chống lũ, cần thay đổi quan điểm khu vực hành lang thoát lũ chỉ có một chức năng (đơn năng) này, mà cần vận dụng đa năng, tích hợp nhiều mục đích. Bên đó, ngoài phê duyệt đồ án quy hoạch, thành phố cần có các quy định chặt chẽ, minh bạch. Chính quyền các quận, huyện một mặt tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các công trình lớn, nhưng phải có đủ năng lực để đảm bảo họ thực thi đúng pháp luật, không làm phá vỡ cảnh quan.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property:
Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng xác định quỹ đất lên tới 11.000 ha sẽ là giải pháp lớn về quỹ đất xây dựng nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, quỹ đất này được quy hoạch như thế nào cần được làm rõ để có thể huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp. Tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, song vẫn đảm bảo không gian xanh, vành đai xanh cho Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
Hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên sông Hồng
05:00, 11/12/2021
Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
00:30, 10/12/2021
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
13:00, 03/12/2021
5 định hướng chính quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
01:18, 26/09/2021
Đã đến lúc đẩy nhanh sự phát triển của đô thị ven sông Hồng
02:59, 25/09/2021
Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng
14:00, 24/09/2021