Hà Nội: Cấp thiết chuyển ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội

LÊ SÁNG 19/12/2021 10:00

Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tiếp tục yêu cầu đẩy nhanh công tác chuyển một phần dự án KTX sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp thành NOXH sau nhiều năm chậm trễ.

>>Chính sách nhà ở xã hội: Càng gỡ càng vướng

>>Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội

Chốt phương án trong quý IV/2021

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 5019/QĐ-UBND ngày 29/11/2021. Trong đó một nội dung đáng chú ý là việc đôn đốc các cơ quan đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác chuyển đổi hạng mục nhà A2, A3 Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê.

UBND đang lên kế hoạch chuyển 02 tòa nhà tại dự án KTX

UBND TP đang lên kế hoạch chuyển 02 tòa nhà tại dự án KTX sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội

Cụ thể, trong dự kiến nguồn vốn ngân sách đầu tư công cho chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 khoảng 5.249 tỷ đồng thì có khoảng 283 tỷ đồng được phân bổ để phát triển nhà ở xã hội (NOXH).

Cụ thể, khoảng 11,6 tỷ đồng để lập quy hoạch chi tiết 05 khu nhà ở xã hội tập trung và 02 dự án nhà ở công nhân. Khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên (KTX) Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội và chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê tại dự án này.

UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài chính phối hợp với Sở KHĐT tham mưu UBND TP Hà Nội trình HĐND Thành phố bố trí vốn để hoàn thành và điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố đề xuất điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê và báo cáo UBND Thành phố trong quý IV/2021.

Sau gần 6 năm có chủ trương chuyển đổi, đến nay 02 toàn nhà A2, A3 vẫn chưa có chuyển biến gì

Sau gần 6 năm có chủ trương chuyển đổi, đến nay 02 toà nhà A2, A3 vẫn chưa có chuyển biến 

Chủ trương treo gần 6 năm

Theo tìm hiểu, dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có quy mô 6 tòa nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6, tổng mức đầu tư phê duyệt 1.492,509 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.

Tuy nhiên do biến động giá cả tổng mức đầu tư bị tăng thêm hơn 300 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng và dự án dang dở đến nay do không bố trí được tiếp nguồn vốn.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách nhà ở xã hội: Càng gỡ càng vướng

    Chính sách nhà ở xã hội: Càng gỡ càng vướng

    13:00, 06/12/2021

  • Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội

    05:00, 02/12/2021

  • CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Gỡ khó cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội

    15:28, 01/12/2021

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ năm 2009 đến năm 2013, Chính phủ đã bố trí cho dự án 1.113,2 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và thực tế đã giải ngân 1.133,094 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương, bao gồm chi phí trang thiết bị nội thất và dự phòng, đến nay đã thực hiện khoảng 44,3 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa tại các hạng mục nhà A1, A5, A6.

Vào tháng 1/2015, 3 tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành, tuy nhiên việc thi công 3 tòa còn lại sau đó đã gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, nhà A2, A3 chưa hoàn thiện và hiện nay đã dừng triển khai ở phần xây thô.

Đến tháng 4/2015, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, bố trí đủ vốn để thanh quyết toán các hạng mục đã hoàn thành và đề xuất việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để hoàn thiện nhà A2, A3.

Khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.

Được biết, sau đó, phản hồi đề xuất trên của TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã cho biết Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương chuyển đổi nhưng phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn trái phiếu chính phủ thành vốn xã hội hóa có ưu đãi phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư cũng như các vấn đề về đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình. Kèm theo đó là hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… cần được tính toán phù hợp.

Sau đó, liên quan đến công tác chuyển đổi 02 nhà A2, A3 thuộc dự án KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp, năm 2017, thông tin với báo chí, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã cho biết nếu thành phố Hà Nội muốn chuyển đổi sang nhà ở xã hội phải thực hiện thanh quyết toán, hoàn vốn theo đúng quy định, khi hoàn vốn xong rồi, thực hiện phải đấu thầu để triển khai dự án.

Năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đôn đốc Ban kiểm tra khắc phục những tồn tại tại dự án trên nhưng hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tòa bị bỏ hoang gây lãng phí và gây mất cảnh quan đô thị.

Đến nay, các tòa nhà bỏ hoang của dự án KTX sinh viên

Đến nay, các tòa nhà bỏ hoang của dự án KTX sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp vẫn là "điểm đen" về kiến trúc, quy hoạch ngay cửa ngõ phía Nam nội đô Hà Nội

Cần quyết tâm để đẩy nhanh tiến độ

Dù đã bắt đầu có chủ trương từ năm 2015 nhưng đến nay sau gần 6 năm, công tác chuyển đổi mục đích 02 nhà A2, A3 tại dự án KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp thành NOXH vẫn chưa thực hiện được.

Trong khi đó, nhu cầu về NOXH tại Thủ đô vẫn đang đặt ra hết sức bức thiết. Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội thì giai đoạn 2016-2020, TP. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 62 dự án. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 mới có 19 dự án hoàn thành cung cấp khoảng 0,9 triệu m2 sàn nhà ở. Bên cạnh đó, còn 43 dự án đang triển khai với hơn 3,1 triệu m2 sàn. So với mục tiêu phát triển khoảng 6,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, thành phố cần xây dựng thêm khoảng 2,2 triệu m2 sàn.

Chia sẻ sự bức thiết của việc sớm đẩy nhanh công tác chuyển đổi những dự án nhà ở chưa hiệu quả, dang dở thành NOXH, trong đó một phần dự án KTX Pháp vân - Tứ Hiệp, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên được sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nếu thiếu vắng người ở sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai và tiền của. Thế nên phải thay đổi cách quản lý để không lãng phí và đáp ứng đúng nhu cầu nhà ở của xã hội.

Chia sẻ quan điểm trên, theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội khiến các khu nhà ở hay khu đô thị không thể thu hút người dân đến sinh sống là bài học trong quản lý quy hoạch và phát triển nhà ở theo kế hoạch.

Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam việc chuyển đổi từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là ý tưởng đúng. Chủ trương đã có từ lâu nhưng việc thực hiện còn chậm bên cạnh những vướng mắc về các quy định liên quan thì một nguyên nhân quan trọng khác có thể đến từ việc các bên liên quan chưa thật rốt ráo và quyết tâm trong việc thực hiện.

Theo đó, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, hiện nay về quy hoạch, việc cần làm là sớm hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để việc chuyển đổi công năng của nhà A2, A3 tại khu KTX Pháp Vân - Tứ Hiệp đáp ứng tốt công năng của nhà ở xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách nhà ở xã hội: Càng gỡ càng vướng

    Chính sách nhà ở xã hội: Càng gỡ càng vướng

    13:00, 06/12/2021

  • Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội

    Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội

    05:00, 02/12/2021

  • CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Gỡ khó cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội

    CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: Gỡ khó cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội

    15:28, 01/12/2021

  • Quảng Nam ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

    Quảng Nam ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

    14:05, 30/11/2021

  • Đề xuất rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

    Đề xuất rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

    11:50, 29/11/2021

LÊ SÁNG