Đấu giá đất Thủ Thiêm tác động xấu tới thị trường bất động sản

LÊ HOÀNG CHÂU - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM 09/01/2022 03:00

Các tác động tiêu cực của phiên đấu giá đất tỷ USD tại Thủ Thiêm về lâu dài sẽ gây bất lợi cho thị trường bất động sản và nền kinh tế.

>> Lo trục lợi chính sách nếu chuyển đổi đất thương mại không qua đấu giá

>> Nhìn lại câu chuyện vốn hóa đất đai từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm

Các phiên đấu giá đất thành công ngày 10/12 sẽ bổ sung thêm cho ngân sách thành phố 37.346 tỷ đồng. Đấu giá quyền sử dụng đất sẽ dần trở thành phương thức chủ yếu để lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư, góp phần rất quan trọng để xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh nếu có hành lang pháp lý chặt chẽ.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM

Hiện cả 4 nhà đầu tư trúng đấu giá đều đã ký Hợp đồng mua bán tài sản ba bên với thành phố nên đã xác lập quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nhưng vẫn cần thêm thời gian để xác định các mốc thanh toán tiền đảm bảo.

Song, các tác động tiêu cực của phiên đấu giá đất tỷ USD tại Thủ Thiêm vừa qua có thể lớn hơn việc thành phố thu được hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Giá đất quá cao được xác lập tại Thủ Thiêm dẫn đến giá nhà lên đến ngưỡng 500-600 triệu đồng một m2 trên bán đảo này. Điều này có thể tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1, có lợi cho các dự án siêu sang hiện hữu và sắp triển khai. Khi đó, tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ siêu sang tại quận 1 ở mức nửa tỷ đồng một m2 hiện nay trở thành bình thường.

Giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với quy luật giá trị, đi ngược lại với quy luật cạnh tranh, mâu thuẫn với quy luật cung - cầu và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản. Khi đó giá đất đấu giá lập đỉnh có thể trở thành "dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng vừa có nguy cơ khiến hàng tồn kho tăng cao.

Không những vậy, việc một số doanh nghiệp có thể “lợi dụng” giá trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, đánh “vống” giá trị tài sản nhà đất để được vay thêm, “rút ruột” ngân hàng, hoặc để “làm sạch” bảng cân đối tài chính.

Hiệu ứng “bình thông nhau” 

Bên cạnh đó, giá đất trúng đấu giá 04 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng “bình thông nhau” gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Loạt chính sách mới thúc đẩy thị trường địa ốc năm 2022

    Loạt chính sách mới thúc đẩy thị trường địa ốc năm 2022

    03:00, 03/01/2022

  • Doanh nghiệp địa ốc rầm rộ ra hàng đón dòng tiền cuối năm

    07:00, 31/12/2021

Ngoài ra, khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3ha đủ điều kiện đấu giá, trong đó có 06 lô đất tại khu 2C thuộc khu chức năng số 1 bao gồm 02 lô được quy hoạch Trung tâm hội nghị triển lãm và lô 7.1 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đủ điều kiện có thể đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022.

Thành phố còn đang chuẩn bị cho phép bán đấu giá 3.790 căn hộ nhà chung cư, có nguồn gốc là nhà tái định cư từ Lô R1 đến R5 tại phường Bình An, liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện nay, cũng có vài chục dự án nhà ở thương mại của các doanh nghiệp đang chờ thực hiện thủ tục tính “tiền sử dụng đất”.

Việc giá đất trúng đấu giá quá cao vừa qua có thể làm cho cán bộ công chức “ngán ngại”, sợ trách nhiệm, có thể làm cản trở việc tính “giá khởi điểm đấu giá” hoặc làm chậm thêm việc tính “tiền sử dụng đất” dự án bất động sản, nhà ở thương mại.

Bịt kẽ hở đấu giá đất

Thực tế, một trong những kẽ hở để các hoạt động đấu giá bị đẩy lên giá quá cao là do Luật Đấu giá 2016 quy định “phải nộp tiền đặt trước” với mức “tối đa là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá” nhưng lại không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm “tiền đặt trước”, hoặc phải có văn bản cam kết nộp bổ sung “tiền đặt trước”, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư “trả giá” tài sản đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với “giá khởi điểm của tài sản đấu giá”.

Chưa có quy định buộc nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá.

Đặc biệt, đối với cuộc đấu giá tài sản có giá trị rất lớn như trường hợp đấu giá 04 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên đây, để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá của nhà đầu tư là chưa có quy định.

Bên cạnh đó, do thiếu các quy định pháp luật về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là điều kiện chứng minh nhà đầu tư “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư khác” và điều kiện chứng minh “có năng lực tài chính” của nhà đầu tư, nên “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” thuộc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành “Quy chế cuộc đấu giá tài sản” yêu cầu nhà đầu tư “phải thực hiện cam kết bằng văn bản”, trong đó có “cam kết không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư khác” và các cam kết để chứng minh năng lực tài chính.

Nhưng, việc “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” yêu cầu nhà đầu tư có văn bản cam kết để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư có tính hình thức và lỏng lẻo. Để bịt kẽ hở này, cần tham khảo kinh nghiệm về quản lý “giao dịch chứng khoán”, để ngăn ngừa trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh mua chứng khoán trên sàn chứng khoán nhưng lại không có đủ năng lực tài chính.

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản 2016 để kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá tài sản, bắt đầu từ công tác định “giá khởi điểm đấu giá” và nâng cao chất lượng hoạt động của “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh, nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng đấu giá “cuội, quân xanh - quân đỏ”, hoặc ngăn ngừa hành vi “thông đồng” giữa các nhà đầu tư tham gia đấu giá, hoặc “thông đồng” giữa các nhà đầu tư với người của cơ quan tổ chức đấu giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhìn lại câu chuyện vốn hóa đất đai từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm

    Nhìn lại câu chuyện vốn hóa đất đai từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm

    16:02, 07/01/2022

  • Đấu giá đất Thủ Thiêm là cơ hội tái thiết thành phố sau Covid-19

    Đấu giá đất Thủ Thiêm là cơ hội tái thiết thành phố sau Covid-19

    19:24, 05/01/2022

  • “Đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”

    “Đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường”

    00:24, 05/01/2022

  • Dòng tiền đổ vào cổ phiếu CII sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

    Dòng tiền đổ vào cổ phiếu CII sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

    05:30, 04/01/2022

  • Rà soát pháp luật để kiểm soát giá đất: Bất thường trong đấu giá đất

    Rà soát pháp luật để kiểm soát giá đất: Bất thường trong đấu giá đất

    11:20, 30/12/2021

  • Kìm giá nhà đất sau tác động đấu giá đất Thủ Thiêm

    Kìm giá nhà đất sau tác động đấu giá đất Thủ Thiêm

    15:00, 28/12/2021

LÊ HOÀNG CHÂU - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM