Thực hư sốt đất ở Đắk Lắk
Những ngày cuối năm tình trạng "sốt đất" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP Buôn Ma Thuột nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
>>> Khó xuất hiện sốt đất diện rộng trong năm 2022
Khoảng 2 tháng gần đây, giá đất tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đang bị đẩy lên cao. Đơn cử ở huyện Cư M’gar, đất trồng cây lâu năm đã chuyển giá từ 60 triệu đồng/sào lên 200 triệu đồng/sào. Ở thị trấn Ea Kar và Phước An, giá đất giao dịch bình quân cũng được rao bán nâng gấp 3 – 4 lần so với mùa Tết 2021.
Một số khu đất ven hồ sát Quốc lộ 26 đã tăng giá gấp đôi, nhiều lô đất tầm 1.200 m2 chuyên cây ăn trái đã được chào giá trên 700 triệu đồng, dĩ nhiên là đất không chuyển đổi mục đích.
Đất nông nghiệp sau khi sang nhượng, đã được các đối tượng tách thành từng lô nhỏ (rộng 5 mét, dài trên 25 mét). Có nơi, các công ty bất động sản còn tự đổ đường bê tông cắt ngang rẫy cà phê. Sau đó, những ô đất nông nghiệp này được tách thành các lô nhỏ, từ 40 đến 60m2 đất ở.
"Tôi đang bán lô đất hơn 500m2 ở xã Ea Tu, có thể tách thành 4 lô với giá hơn 3,5 tỷ đồng. Đất ở đây đang tăng giá từng ngày…", một "cò" đất nói.
Ghi nhận của PV cho thấy, có những lô đất vừa đặt cọc buổi sáng thì buổi chiều đã được trả tăng lên 30% giá trị.
Có thể bạn quan tâm |
Một nhà đầu tư thừa nhận: "Thời gian qua, người từ TP.HCM, một số tỉnh thành khu vực phía bắc vào mua đất thành phố rất lớn. Đa phần đất thổ cư, nông nghiệp ở các xã phường của thành phố đang "hot". Đặc biệt, tại các khu vực nằm trên trục đường quốc lộ huyết mạch và gần Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên sắp xây dựng ".
Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột, tháng 12-2021, Bộ phận một cửa của thành phố đã tiếp nhận hơn 11.400 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, trung bình một ngày làm việc giải quyết gần 521 hồ sơ cho người dân. Trong tháng 1-2022, có những ngày cán bộ, nhân viên tiếp nhận và giải quyết tới 666 hồ sơ, cao gấp nhiều lần so với trước.
Ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột cho biết, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp như tăng thêm quầy tiếp nhận hồ sơ, cán bộ ăn uống tại chỗ để làm việc từ 6 giờ 30 đến 22 giờ đêm hằng ngày.
Người dân cần cảnh giác
Chia sẻ lý do sốt đất, ông Phương cho hay người dân lo ngại lạm phát nên đầu tư vào đất. Bên cạnh đó, hiện nay thông tin về các dự án lớn như: Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên, cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột… chuẩn bị xây dựng nên người dân mua đất đón đầu.
Đặc biệt, sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, có rất nhiều người từ TP HCM, Hà Nội lên đây mua đất để xây dựng ngôi nhà thứ 2 do thuận tiện đi lại.
Mới đây, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện tượng sốt đất tại TP Buôn Ma Thuột thời gian gần đây là do "cò đất" thỏa thuận với nhau đẩy giá đất lên cao. Từ đó, các đối tượng "cò đất" lôi kéo người dân vào tham gia mua bán.
Ông Hưng khuyến cáo người dân phải hết sức cảnh giác, không nên nghe theo "cò đất" đổ xô mua bán đất. Khi đất được đẩy giá lên cao thì người dân mua sau là người thiệt thòi nhất.
"Hiện thành phố vẫn đang tổ chức bán đấu giá đất ở rất nhiều khu vực, dự án được nhà nước quy hoạch bài bản, đầy đủ nên người dân yên tâm về nhu cầu đất ở" - ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện giá bất động sản nhiều nơi đang không phản ánh đúng giá trị thực. Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường.
"Đối với các nhà đầu tư F0 thì không nên tham gia đầu tư theo tin đồn, theo hiệu ứng đám đông mà cần tìm hiểu, phân tích tỉ mỉ sản phẩm trước khi đầu tư" - ông Đính nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Sốt đất đấu giá: Đột biến hay chưa sát thực tế?
10:00, 03/01/2022
Địa phương "ra tay" dập sốt đất: Giải pháp nào khả thi?
19:45, 28/12/2021
Khó xuất hiện sốt đất diện rộng trong năm 2022
11:20, 24/12/2021
Cắt cơn sốt đất Cam Lâm
05:00, 22/12/2021
Sốt đất quay trở lại các địa phương
13:00, 20/12/2021