Loạt địa phương ra tay cấm phân lô tách thửa: Có hạ nhiệt cơn sốt đất?
Áp lực lạm phát gia tăng, cùng với đó là việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng ở nhiều địa phương đã nhen nhóm những cơn sốt đất từ miền xuôi đến miền ngược.
>>Sốt đất Hà Tĩnh: Công ty môi giới mọc như nấm, dân đổ xô làm “cò”
SỐT ĐẤT TỪ "MIỀN XUÔI ĐẾN MIỀN NGƯỢC"
Đơn cử như tại Bình Phước, vài ngày qua, giới kinh doanh địa ốc ở trong tỉnh và đến từ Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đổ xô về khu vực đường ĐT753 xã Tân Lợi để "săn đất".
Nguyên nhân là ngày 20/3, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBND tỉnh Bình Phước đã có kiến nghị việc xây cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai để rút ngắn quãng đường 60 km về Sân bay Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải. Theo ghi nhận từ xã Tân Lợi, giá đất khu vực dọc hai bên tuyến đường ĐT753 đã tăng hơn 30% so với trước ngày 20/3.
Lãnh đạo địa phương này cũng cho biết đây không phải lần đầu đất ở khu vực này sốt mà đã từng xảy ra vài lần, nhất là tháng 1/2021. Chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo người dân và giới đầu tư hãy cẩn thận khi giao dịch, mua bán, sang nhượng đất.
Tương tự, tại Quảng Ngãi, một “cơn sốt” cũng được thổi bùng ở nhiều nơi như xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, Bình Châu, Bình Hải, huyện Bình Sơn, Đức Minh, Đức Lợi, huyện Mộ Đức hay Phổ Quang, TX.Đức Phổ. Giá đất liên tục tăng so với thời điểm cách đây vài tháng, thậm chí, tại một số nơi lượng cầu lớn hơn so với nguồn cung, đã đẩy giá đất tăng lên gấp đôi, gấp 3 lần.
Một số môi giới nhà đất tại đây cho biết, cơn sốt bắt nguồn từ khi các dự án du lịch tại bãi biển Mỹ Khê tái khởi động, nhu cầu mua đất ở để xây dựng nơi nghỉ dưỡng gia đình trở nên lớn hơn.
Trong khi đó, tại các xã Đức Minh, Đức Lợi, giới đầu cơ cũng liên tục săn lùng mua đất ven biển để đón đầu dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn II a thành phần 1 mà tỉnh này đang thực hiện các bước đầu tư.
Có thể bạn quan tâm |
Hay tại Gia Lai, “cơn địa chấn” của buổi đấu giá 104 lô đất tại P.Chi Lăng, TP.Pleiku cũng đã khiến giới đầu tư choáng váng. Tổng giá khởi điểm 104 lô đất là 21,7 tỉ đồng đã đội giá lên gấp nhiều lần với hơn 10.000 hồ sơ tham gia đấu giá, gây nên một cơn "sốt đất" bất thường.
Nhận định về thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, giá đất “thoát ly” giá trị thực không phù hợp với “quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu”.
Trong khi đó, đánh giá về thị trường đất nền thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho rằng đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay. Từ đó, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi”.
Tuy nhiên, nghịch lý xuất hiện khi giá đất tại nhiều nơi do đầu cơ thổi giá liên tục leo thang, bỏ qua rất xa khả năng chi trả của đại đa số người có nhu cầu thực. Theo đó, xảy ra hiện tượng “lãi ảo”, giá tăng chỉ là truyền miệng còn thực tế giao dịch lại rất ít.
DỪNG TÁCH THỬA, HẠ NHIỆT CƠN SỐT
Đáng chú ý, để hạ nhiệt các cơn sốt đất, mới đây nhiều địa phương cũng đã "ra tay" tạm dừng cho phép phân lô tách thửa đất. Tại Bình Phước, ngày 22/3, UBND thành phố Đồng Xoài đã ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Không thực hiện tách thửa (tất cả loại đất) đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Khánh Hòa, tỉnh này cũng yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất... đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có.
Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng vừa có công văn số 1685 gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai. Theo đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, phân lô bán nền là nguồn cơn của sốt đất, cần được giải quyết bằng quy định tại Luật Đất đai sửa đổi lần này. Ông Võ đề xuất ban soạn thảo "cấm chia lô bán nền, chỉ sử dụng cách thức này ở một số vùng nông thôn đang cần đất ở cho các hộ gia đình tách ra từ một hộ, không mang tính thị trường". Theo ông Võ, cơ chế chia lô bán nền phải dứt khoát bỏ.
Trong khi đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cần phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm tối đa về việc quản lý các dự án phân lô, bán nền, song song với đó, cần tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Cần ban hành một quy định chung về việc đất đai phân lô, bán nền phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí gì, còn cấp nào phê duyệt, quản lý chỉ cần căn cứ vào tiêu chí đã được ban hành và quy hoạch của từng địa phương.
Có thể bạn quan tâm