Giá đất “nhảy múa”, công ty môi giới bất động sản mọc lên như nấm, người dân cũng đổ xô đi làm “cò” khiến thị trường bất động sản Hà Tĩnh sôi động hơn bao giờ hết.
>>Giá đất nông thôn “nhảy múa”: Cần cắt cơn sốt đất
Khoảng 2 năm nay, thị trường bất động sản Hà Tĩnh liên tục biến động, giá đất “nhảy múa” từng giờ kéo theo hàng loạt công ty môi giới bất động sản đua nhau ra đời.
Nở rộ văn phòng môi giới bất động sản
Dọc các tuyến đường TP. Hà Tĩnh như đường Lê Duẩn, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Du... liên tục xuất hiện những công ty bất động sản mới mọc lên. Theo tìm hiểu, mỗi công ty có 10 - 30 nhân viên môi giới, trong số đó có cả những người đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước.
Chị N.T. M một giám đốc công ty mô giới bất động sản cho hay: “Trước tôi làm việc ở lĩnh vực khác, thỉnh thoảng chốt vài lô đất. Sau thấy có duyên nên tôi đã mở công ty để hoạt động độc lập, tính đến nay công ty đã hoạt động được 6 tháng với khoảng 15 nhân viên. Lương nhân viên chủ yếu trả theo hoa hồng hoặc chênh lệch giá đất bán cho khách hàng”.
Được biết, do chính sách “mở” của Nhà nước, doanh nghiệp nói chung không chịu nhiều ràng buộc về thủ tục pháp lý cũng như vốn điều lệ nên việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh môi giới bất động sản khá dễ dàng.
Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, từ năm 2020 đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã có tới 450 doanh nghiệp có đăng ký mã ngành kinh doanh môi giới bất động sản được thành lập. Tính riêng tại TP. Hà Tĩnh đã có 181 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực môi giới bất động sản.
Môi giới bất động sản trở thành nghề “hot”
Khi thị trường đất trở nên sôi động, buôn bán bất động sản được xem là nghề “hái ra tiền”, từ một đồn mười, mười đồn trăm, người người, nhà nhà đổ xô đi làm môi giới.
Không ít người tạm gác công việc chính, thậm chí bỏ nghề để chạy theo món nghề môi giới, từ những người làm nghề tự do đến những người đang làm việc tại các cơ quan nhà nước cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản.
Chị N.T.T (33 tuổi) trú tại TP Hà Tĩnh cho biết: “Tôi làm công việc tự do nhưng thời gian gần đây thấy thị trường đất sôi động nên tôi chuyển hẳn sang hoạt động ở lĩnh vực này”.
Theo chị T. thời gian đầu, chị chốt vài miếng đất mua đi bán lại. Thấy có lời, chị T. rủ thêm một số người bạn cùng tham gia góp vốn mua những lô đất tiềm năng, sau ít hôm lại bán. Ngoài ra, chị H. cũng tìm khách có nhu cầu bán đất rồi đăng lên mạng xã hội tìm khách mua. Mỗi lần được khách chốt, chị được trích phần trăm hoa hồng từ tiền bán đất.
Đang làm công chức tại một cơ quan nhà nước, anh N.V.Đ cho biết: “Sau khi giới thiệu cho vài người bạn mua miếng đất và được trích hoa hồng. Thấy có duyên nên tôi tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Tháng may mắn chốt được 3 – 4 lô đất là đã có thêm hàng chục triệu đồng rồi”.
Theo thống kê, nửa quý đầu năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đến đất đai. Trong khi đó, tổng giao dịch phải xử lý năm 2020 của toàn tỉnh Hà Tĩnh rơi vào khoảng 84.000 hồ sơ và năm 2021 là hơn 122.000 giao dịch.
Ông Phan Lê Hùng, Trưởng Phòng quản lý nhà, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng Hà Tĩnh) cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản ở Hà Tĩnh có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên việc kiểm soát và quản lý các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.
“Hiện rất nhiều người tham gia vào lĩnh vực môi giới bất động sản, nhưng số người có chứng chỉ hành nghề rất ít. Để đảm bảo an toàn, các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện giao dịch tại các dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác có liên quan”, ông Hùng khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Lãng phí nguồn ngân sách hàng chục tỷ từ công trình khu tái định cư
01:08, 16/03/2022
Nông sản Hà Tĩnh tìm đường… "xuất ngoại"
20:45, 11/03/2022
Hà Tĩnh nỗ lực đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc – Nam
02:33, 11/03/2022
Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Dự án đê biển 300 tỷ dở dang do thiếu vốn
00:03, 10/03/2022