50% doanh nghiệp "than khó" về thủ tục đất đai
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, quá trình điều tra tổng hợp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, có tới 50% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về thủ tục đất đai và GPMB.
>>10 kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai
Cụ thể, theo ông Đậu Anh Tuấn, thủ tục đất đai là nhóm thủ tục gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp có sử dụng đất. Các cuộc điều tra nhiều năm nay cho thấy, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng thậm chí gây "ám ảnh" với doanh nghiệp. Mà trong đo, các doanh nghiệp dân doanh trong nước gặp khó nhiều hơn các doanh nghiệp FDI.
Có thể bạn quan tâm |
Thứ nhất, khả năng tiếp cận, tích tụ đất đai vẫn còn hạn chế, giới hạn về hạn điền, doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp, chỉ thuê đất sử dụng đất nông nghiệp. Hay doanh nghiệp nước ngoài không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Đại diện VCCI cũng chỉ ra hạn chế các biện pháp đảm bảo thực hiện dự án: Luật Đất đai quy định ký quỹ là biện pháp duy nhất đảm bảo thực hiện dự án đối với trường hợp nhà đầu tư được nhà đất giao đất cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án dầu tư. Tuy nhiên, chưa đề cập tới các hình thức khác có hiệu quả và được sử dụng phổ biến trong thực tiễn như bảo lãnh ngân hàng.
Thứ hai, vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa khả thi. Sự lúng túng, chưa rạch ròi giữa các hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà bên góp vốn chuyển giao toàn bộ quyền sử dụng đất cho bên nhận góp vốn với hình thức góp vốn để hợp tác kinh doanh trong một thời hạn nhất định; chính sách bảo vệ quyền lợi của bên góp vốn chưa rõ ràng, đầy đủ.
Không những vậy, việc xử lý các quyền và nghĩa vụ có liên quan khi dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh bị chấm dứt hoặc nhà đầu tư bị giải thể, phá sản theo quy định đối với trường hợp người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp với nhà đầu tư chưa rõ ràng.
Thứ ba, vấn đề định giá đất và một trong những nguyên nhân gây nên các vướng mắc, tranh chấp trong đền bù giải phóng mặt bằng là rất lớn.
Khung giá đất nhà nước hiện hành chỉ bằng 20 – 30% khung giá đất thị trường, khung giá đất do tỉnh ban hành cũng chỉ bằng từ 30 – 60% giá đất thị trường tại địa phương. Chưa có cơ chế tính giá đất rõ ràng, minh bạch và có nguy cơ tranh chấp trong đền bù giải phóng mặt bằng.
Thứ tư, thủ tục hành chính quá khó khăn gây “ám ảnh” cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính liên quan đến đất đai là "ma trận" phức tạp và thường xuyên thay đổi dẫn đếnquy trình triển khai dự án bị kéo dài, bị đình trệ, ách tắc, gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp.
Ông Tuấn cũng thẳng thắn chia sẻ, những xung đột, chồng chéo trong luật khiến chính quyền cấp thực thi nhận thấy rủi ro, phản ứng sau đó là đình hoãn, trì trệ các dự án là tương đối nhiều. Mỗi dự án đi 1 kiểu, quy trình thực hiện trên thực tế không giống trên văn bản, chính vì vậy thủ tục hành chính đất đai cần hướng đến thực tiễn nhiều hơn.
"Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần sát với thực tiễn hơn và cần có sự phối hợp sửa đổi thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo nên sự thống nhất, thuận lợi cho thủ tục đầu tư sau này" - Trưởng Ban pháp chế VCCI đề xuất.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, báo cáo mới đây tại phiên họp thứ 9 của UBTV Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết Bộ đang hoàn chỉnh dự án Luật Đất đai sửa đổi, chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5/2022 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10/2022.
Tại Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai ban hành tháng 9/2021, Bộ TN&MT xác định nội dung sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến các nội dung như: phân loại đất; điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thống kê, kiểm kê đất đai, giám sát quản lý và sử dụng đất.
Bên cạnh đó là các vấn đề quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất; đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp quản lý nhà nước về đất đai và các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng.
Có thể bạn quan tâm