Doanh nghiệp bất động sản vừa huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu là ai?

DIỆU HOA 19/04/2022 17:35

CTCP Đầu tư và xây dựng Vạn Tường Phát vừa huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu, như vậy giai đoạn 2021 - 2022 doanh nghiệp này đã huy động tới 10.000 tỷ đồng.

>>8.000 tỷ đồng trái phiếu chảy vào khu đô thị Việt Phát tại Long An

Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, CTCP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát vừa phát hành thành công lô trái phiếu có giá trị 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, ngày hoàn tất phát hành 10/2/2022, đáo hạn vào 17/11/2026.

Vạn Trường Phát huy động thêm 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Khác với các lần công bố trước, lô trái phiếu mới nhất không được Vạn Trường Phát công bố thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, cũng như đơn vị đứng ra thu xếp.

Theo đó, từ tháng 6/2021 đến nay, Vạn Trường Phát đã tung ra 5 lô trái phiếu có giá trị bằng nhau là 2.000 tỷ đồng, tổng số tiền đã huy động là 10.000 tỷ đồng. Tất cả số trái phiếu này đều có thời hạn 5 năm, đáo hạn vào năm 2026.

Thông tin Diễn đàn doanh nghiệp ghi nhận trước đó, các lô trái phiếu trước được dùng với mục đích để thanh toán tiền đặt cọc nhận chuyển nhượng một phần dự án KĐT Việt Phát tại Xã Tân lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Có thể bạn quan tâm

  • Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:30, 19/04/2022

  • Siết lại để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nào?

    12:00, 13/04/2022

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu được xác định là: "Bất động sản hiện có và/hoặc bất động sản hình thành trong tương lai và bất động sản liên quan tới hoặc phát sinh từ khu đất có diện tích hơn 78ha thuộc dự án  KĐT Việt Phát tại Xã Tân lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An”.

Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát được thành lập vào tháng 6/2019, tiền thân là Công ty Cổ phần Star Zone, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở. Trụ sở tại tầng 2, toà nhà CT Office Building, 56 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu ở mức 320 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bà Nguyễn Kiều Lệ (chiếm 55% vốn), bà Huỳnh Bảo Vy (30% vốn) và ông Vương Tuấn Minh (15% vốn). Trong đó bà Lệ sinh năm 1988 đảm trách vai trò Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Thông tin từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 28/5/2021, doanh nghiệp này đã tiến hành tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Kiều Lệ trước khi thành lập Vạn Trường Phát, có nhiều năm làm CEO rồi Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phiên An, có trụ sở tại 193 - 203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM.

Năm 2021, Vạn Trường Phát cũng đã huy động 8.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu để thâu tóm KĐT Việt Phát

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, tình trạng doanh nghiệp địa ốc dấn thân vào cuộc đua trái phiếu đang tăng nóng gần đây. Cả năm 2021, doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 318.200 tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.

Trong ba tháng đầu năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng đạt 17.211 tỷ đồng trái phiếu, chiếm hơn 43% tổng giá trị phát hành.

Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ khi có không ít lô trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được thu xếp phát hành và mua lại phần lớn bởi các công ty chứng khoán. Đặc biệt, các công ty này vốn là “sân sau” của các ngân hàng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, qua vụ bắt nhóm doanh nghiệp lộ ra việc 10.000 tỷ đồng trái phiếu xoay vòng vào đất, chứng khoán, và rộng hơn là 700.000 ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 2 năm 2020 - 2021, trong đó trên 60% là do ngân hàng mua mới thấy dòng tiền vào đất và chứng khoán có sự xoay vòng, múa may của bộ ba ngân hàng - công ty chứng khoán – công ty bất động sản (và nhóm đầu tư cá voi sát thủ) đã mua - đẩy tạo sóng tăng giá cho đất và chứng khoán lên tầm cao mới.

Trước các diễn biến tiêu cực từ thị trường, Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã có công điện gửi các cơ quan quản lý, yêu cầu về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về phía Bộ Tài chính cũng cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Ai đang ôm trái phiếu bất động sản nhiều nhất?

    Ai đang ôm trái phiếu bất động sản nhiều nhất?

    05:00, 27/11/2021

  • Trái phiếu bất động sản nở rộ, nhà đầu tư có quá lo ngại?

    Trái phiếu bất động sản nở rộ, nhà đầu tư có quá lo ngại?

    10:00, 12/10/2021

  • Cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:30, 17/04/2022

  • Tháo chạy từ trái phiếu, nguy cơ vốn ngoại chảy ròng khỏi Trung Quốc

    Tháo chạy từ trái phiếu, nguy cơ vốn ngoại chảy ròng khỏi Trung Quốc

    05:00, 14/04/2022

  • Siết lại để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nào?

    Siết lại để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nào?

    12:00, 13/04/2022

DIỆU HOA