Quảng Nam: Doanh nghiệp ám ảnh giải phóng mặt bằng
Dù chú trọng công tác thu hút chủ đầu tư đến phát triển các dự án bất động sản, song tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể gỡ được các vướng mắc tồn đọng khiến nhà đầu tư “đau đầu”.
>>Quảng Nam đôn đốc tiến độ nạo vét sông Cổ Cò
Những vướng mắc không thể giải quyết triệt để khiến nhiều dự án chậm tiến độ.
Nhiều vướng mắc giải phóng mặt bằng
Thời gian qua hàng loạt dự án tại Quảng Nam, đặc biệt là khu vực khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc đang vướng phải nỗi lo về công tác GPMB. Cụ thể, việc GPMB không thể được triển khai đồng bộ, có hiệu quả và việc đảm bảo giao đủ đất sạch cho chủ đầu tư là rất ít.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết những nguyên nhân dẫn đến việc GPMB gặp nhiều khó khăn là vì đơn giá thấp, người dân không đồng thuận thu hồi đất, không phối hợp thực hiện các bước của thủ tục hồ sơ như đo đạc, kiểm đếm… Đồng thời, khi thực hiện phê duyệt phương án chậm do giải quyết nhiều vướng mắc về hồ sơ đất đai, họp xét nguồn gốc đất, thời gian niêm yết… theo quy trình từ 8-12 tháng.
Ngoài ra, những nguyên nhân như đơn giá đất bồi thường, tái định cư có hiệu lực trong thời gian ngắn (1 năm), hết thời gian này phải thực hiện các thủ tục để phê duyệt lại. Việc bồi thường cây cối hoa màu, vật nuôi khi ban hành quyết định mới không cụ thể, thiếu đơn giá, hướng dẫn không cụ thể nên mất rất nhiều thời gian chờ hướng dẫn.
“Ngoài ra, cán bộ thực hiện công tác GPMB quá mỏng, trong khi khối lượng dự án trên địa bàn thị xã thì quá nhiều với hơn 200 dự án đô thị mới, các dự án đầu tư công, khu công nghiệp... nên việc đầu tư thời gian để giải quyết cho từng dự án chưa có kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, các đơn vị liên quan vẫn chưa được sự quan tâm, quyết liệt trong xử lý vướng mắc”, vị này cho biết.
Có thể bạn quan tâm |
Cũng theo vị đại diện này, việc thi công của doanh nghiệp thường gặp trở ngại do sự cản trở của một số hộ dân có tranh chấp nội bộ. Nhiều hộ dân không chịu ký hồ sơ đo đạc giải thửa, không cung cấp các giấy tờ đất đai có liên quan thì hầu như không có quy định cụ thể để xử lý.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận việc phát triển bất động sản tại tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều vướng mắc về công tác GPMB. Theo ông Bảo, hiện nay tỉnh Quảng Nam vẫn còn vướng về cơ chế đầu tư, các quy định pháp luật chồng chéo đối với các doanh nghiệp bất động sản.
“Giữa luật phát triển nhà ở, luật đầu tư và luật đất đai vẫn còn nhiều chồng chéo chưa được thống nhất với nhau. Nhưng khó khăn, vướng mắc cơ bản nhất đối với hiện nay đó là việc giải tỏa đền bù. Trong câu chuyện đến bù có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả về góc nhìn của người dân cũng đang theo một chiều hướng khác về việc GPMB”, ông Trần Quốc Bảo chia sẻ.
Chốt phương án gỡ vướng
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, Nhà nước có đầy đủ chức năng, công cụ để quản lý đất đai. Do vậy, khi doanh nghiệp được thực hiện dự án phía cơ quan quản lý Nhà nước cần tạm xác định chi phí bồi thường, GPMB. Trên cơ sở này, quy định các chủ đầu tư (CĐT) nộp tiền vào ngân sách theo tiến độ GPMB để thực hiện và phải có cam kết từ 02 phía.
Trong trường hợp CĐT không nộp tiền đúng số tiền và tiến độ theo cam kết, phải có chế tài đủ mạnh để thu hồi dự án, xử phạt và giao cho CĐT khác có năng lực hơn. Nếu đơn vị thực hiện công tác GPMB, chính quyền địa phương nơi đầu tư dự án không thực hiện đúng cam kết bồi thường và giao đất cho doanh nghiệp thì cũng phải quy định chế tài cho nghiêm.
Ngoài ra, cần xây dựng chi phí hợp lý (thu nhập chính đáng ngoài lương) cho các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện công tác GPMB công khai, minh bạch. Khi ban hành các chính sách, chế độ thì cần xem xét đến vòng đời của từng dự án như xác định giá đất bồi thường, giá đất TĐC, giá cây cối hoa màu, vật nuôi và các loại giá khác có liên quan để cho các CĐT hoạch định phương án kinh doanh, tài chính, không tốn và mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục điều chỉnh.
Trước những vướng mắc, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Trong đó, gồm các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng, đền bù,… Đồng thời, Quảng Nam cũng đã chốt 3 phương án gỡ vướng cho khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương đã liên tục yêu cầu các chủ đầu tư sớm triển khai thi công các dự án để đảm bảo tiến độ. Theo ông Quang, tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương phối hợp với CĐT lo phương án bồi thường, GPMB, tái định cư, rà soát quy hoạch để đảm bảo khớp nối hạ tầng.
“Tỉnh cho phép gia hạn thời gian đối với một số dự án chậm giao đất, vướng mặt bằng. Đôn đốc CĐT làm giá đất sớm, quyết toán tiền bồi thường sớm để khấu trừ nghĩa vụ tài chính, tạo điều kiện cho CĐT có nguồn thi công xây lắp. Nhưng cũng yêu cầu các CĐT không được huy động vốn trái phép, phối hợp với địa phương để GPMB, thi công, làm đảm bảo chất lượng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Các ngành, địa phương phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra xử lý nếu vi phạm”, ông Nguyễn Hồng Quang cho biết.
Có thể bạn quan tâm