Tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây bị tắt nghẽn từ nhiều thập kỷ qua đã được khai mở sau chuyến thăm, thị sát và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 3 vừa qua.
>>“Điểm nghẽn” phát triển KCN, CCN tại Quảng Nam
Không phải phải chờ đợi đến khi Thủ tướng kiểm tra và cho ý kiến chấp thuận, mà trước đó nhiều năm, lãnh đạo Quảng Nam cùng lãnh đạo tập đoàn Trường Hải Chu Lai (THACO) đã khảo sát đánh giá tuyến giao thông đường bộ nối Chu Lai đến 2 cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Kon Tum và Đắc Ốc, huyện Nam Giang Quảng Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh bảo rằng hạ tầng giao thông từ biển lên biên giới đã được khai thông nhưng vẫn còn những "nút thắt" khiến mạch máu giao thông từ biển lên 2 cửa khẩu Quốc tế và vùng Tây nguyên luôn bị tắc nghẽn bởi hạ tầng xuống cấp, sạt lở tắc nghẽn về mùa mưa gây cản trở sự phát triển trên tuyến kinh tế hành lang Đông-Tây.
Để mở nút thắt của hệ thống giao thông liên vùng và tuyến huyết mạch trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nhiều năm trước lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã ngồi lại với tỷ phú Trần Bá Dương để tìm phương án tối ưu tháo gở nút thắt với khát vong đưa hàng hóa lưu thông liên vùng lên Tây Nguyên và các nước trong khu vực trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.
Khai mở tư duy kinh tế được gặp nhau khi ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO đồng ý đầu tư tuyến đường từ Quảng Nam lên biên giới Việt - Lào, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên. Tất nhiên, với tuyến đường huyết mạch này Quảng Nam không thể đưa ra quyết định, mặc dù nguồn vốn đầu tư không phải từ ngân sách. Lãnh đạo Quảng Nam và Thaco cùng gửi kiến nghị lên thủ tướng trong cuộc làm việc vào cuối tháng 3 vừa qua.
Trình bày với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng Quốc lộ 14D và 14E là tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Đông - Tây, kết nối Nam Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Trung Lào - miền Trung Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) đến cảng Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), có vị trí thuận lợi và rất quan trọng đối với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nếu Quốc lộ 14D kết nối với TP Đà Nẵng qua Quốc lộ 14B và kết nối với Chu Lai - Hội An (Quảng Nam) qua Quốc lộ 14E rất thuận lợi khi được mở rộng sẽ, mở rộng không gian phát triển về phía Tây cho cả Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ này theo hình thức BOT trên nền đường cũ, thực hiện thu phí tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang (chỉ áp dụng đối với ôtô qua cửa khẩu).
Tuy nhiên, theo trình bày của tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, cho biết từ năm 2018, tập đoàn đã "giải cứu" Công ty Hoàng Anh Gia Lai Agrico bằng hình thức mua lại toàn bộ diện tích 84.000 ha cao su và cọ dầu. Trên cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp ở Lào, Campuchia, Tây Nguyên cùng với sản xuất, chế biến sâu về sản phẩm nông nghiệp và phát triển công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ôtô ở Quảng Nam thì bất cập lớn nhất hiện nay là logistics ở Chu Lai và chi phí vận tải biển.
Vì vậy, ông Trần Bá Dương đề xuất đầu tư cảng biển Chu Lai đáp ứng tàu 5 vạn tấn vận hành và đầu tư tuyến đường lên biên giới, kết nối với vùng trồng ở Tây Nguyên, Lào, Campuchia. Theo ông, đồng bộ được hệ thống giao thông sẽ giải quyết được khó khăn lớn nhất của Quảng Nam, Chu Lai nói riêng và miền Trung nói chung là chi phí logistics.
Đối với hạ tầng giao thông, ông Trần Bá Dương cho biết lãnh đạo Quảng Nam mong muốn đầu tư theo con đường hiện hữu trên cơ sở nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E và 14D. Phương án này THACO thống nhất thực hiện, song nguyện vọng của tập đoàn là làm một con đường hoàn toàn mới và đi thẳng có thể để rút ngắn tuyến đường hiện hữu.
"Qua khảo sát, Tập đoàn Thaco nhận thấy nếu làm đường mới sẽ rút ngắn được khoảng 40-50 km so với đường hiện hữu. Khi làm đường mới, những nơi qua rừng tự nhiên sẽ đi trên cao - vừa hạn chế tác động đến rừng vừa tạo cảnh quan. "Với công nghệ hiện nay thì chi phí làm đường mới không cao, vẫn rẻ hơn so với chi phí đền bù nếu mở rộng đường hiện hữu", ông Trần Bá Dương khẳng định.
Với tư duy khai mở kinh tế sau khi nghe kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính không ngần ngại mà gật đầu đồng ý để Quảng Nam và Thaco tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng cảng biển Chu Lai và đầu tư đường lên biên giới thẳng nhất có thể để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, nước bạn Lào một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất đến năm 2025 hoàn thành.
Nút thắt đã được thảo gở. Hy vọng, trong 3 năm đến với ý chí và quyết tâm chính trị, Quảng Nam cùng Thaco sẽ khai thông tuyến đường huyết mạch hành lang kinh tế Đông Tây kết nối Nam Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Trung Lào - miền Trung Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) đến cảng Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) để lưu thông hàng hóa.
Không chỉ khai thông tháo gở nút thắt giao thông đường bộ, tuyến đường hàng không từ sân bay Chu Lai cũng được Thủ tướng gật đầu đồng ý đầu tư mở rộng để sân bay Chu Lai trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa và hành khách lớn tại khu vực.
Đường biển, đường bộ được khớp nối trong tương lai gần và mở cửa bầu trời từ sân bay Chu lai được khai mở mà như lời tỷ phú Trần Bá Dương khẳng định nếu điều đó thành hiện thực, đồng nghĩa với những khát vọng mà lãnh đạo Quảng Nam ấp ủ hơn 2 thập kỷ qua kể từ ngày chia tách tỉnh và đầu tư Khu kinh tế mở Chu Lai được hiện thực hóa từ những chủ trương và quyết sách táo bạo của vùng đất khai mở.
Có thể bạn quan tâm