TP.HCM di dời khẩn cấp các hộ dân tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo

DIỆU HOA 09/01/2023 11:50

UBND quận 5, TP.HCM vừa ban hành kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ dân tại chung cư cấp D có nguy cơ sụp đổ tại số 440 Trần Hưng Đạo trước Tết Nguyên đán.

>>Đối tượng nào được hỗ trợ lãi suất 2% mua nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ?

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo xuống cấp trầm trọng nhưng người dân chưa đồng thuận di dời

Theo Chủ tịch UBND quận 5, bà Trương Minh Kiều cho biết, đang trình thành phố phương án bồi thường; trong thời gian tạm cư, người dân không tốn chi phí thuê nhà, được đảm bảo quyền lợi, chính sách bồi thường đối với căn hộ tại chung cư cũ.

Để hỗ trợ người dân di dời, quận 5 vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ mỗi hộ dân 50 triệu đồng (bao gồm 10 triệu từ ngân sách theo quy định và 40 triệu hỗ trợ thêm). Chính sách hỗ trợ trên áp dụng đối với các trường hợp di dời trước Tết Nguyên đán hoặc cam kết di dời trước ngày 10/2.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sẽ hỗ trợ người dân di dời, vận chuyển vật dụng, tài sản đến nơi ở mới. Với các chính sách bồi thường, hỗ trợ đưa ra, UBND quận 5 đặt mục tiêu việc di dời sẽ hoàn thành trong tháng 3/2023. Đối với các hộ dân muốn di dời trước Tết Nguyên đán, quận sẽ khen thưởng và hỗ trợ kinh phí đón Tết, sum vầy tại nơi ở mới.

Được biết, chung cư 440 Trần Hưng Đạo có quy mô gồm 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu, sân thượng và mái bê tông cốt thép. Chung cư này được xây dựng trước năm 1975. Chung cư này được kiểm định chất lượng và kết quả giám định là chung cư cấp D (nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào) từ tháng 8/2016.

Ngay sau đó, UBND quận 5 đã giao Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 5 phối hợp với UBND quận 6 tổ chức tiếp xúc, vận động, thuyết phục người dân di dời đến căn hộ tại chung cư An Phú, số 961 Hậu Giang, phường 11, quận 6.

Song, hơn 6 năm nay, 32 hộ gia đình cư trú tại đây không đồng ý nhận căn hộ tại quận 6 để tạm cư, đề nghị Nhà nước chi tiền để gia đình tự thuê nơi khác tạm cư và tính đơn giá bồi thường các căn hộ thuộc sở hữu tư nhân một cách thỏa đáng.

>>"Phá băng" cải tạo chung cư cũ

Công tác cải tạo chung cư cũ TP HCM cẫn còn nhiều hạn chế

Tại TP.HCM hiện nay, các chung cư cũ (chung cư cũ) phân bố nhiều nhất tại các quận lần lượt là: Quận 5 – 206 chung cư cũ, Quận 1 – 89 chung cư cũ, Quận 3 – 38 chung cư cũ, Quận 4 – 13 chung cư cũ. Số còn lại nằm rải rác tại TP. Thủ Đức và các quận khác.

Đến nay, TP.HCM đã hoàn tất công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với toàn bộ 474 chung cư cũ, kết quả có 15 chung cư cũ cấp D, 115 chung cư cũ cấp C, 12 chung cư cũ không cần kiểm định do đã và đang di dời hoặc cải tạo. Trong giai đoạn 2016-2020, 14 chung cư đã được cải tạo, di dời (6/15 chung cư cấp D, 8 chung cư không phải cấp D). 

Song, hầu hết những chung cư cũ trước năm 1975 không có Ban quản trị nên việc quản lý, vận hành và thực hiện các công tác tuyên truyền, kêu gọi sự đồng thuận của người dân sẽ rất khó khăn, khi tiến hành sẽ phải tiếp xúc đến từng hộ dân.

TS.KTS Phạm Trần Hải - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng so với kỳ vọng của người dân thì cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM vẫn là câu chuyện dài hơi cũng như cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, kết quả kém khả quan trên là do có nhiều bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách. Đơn cử như theo quy định, với chung cư cấp D, phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ. Nhưng cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư, nên chưa tạo được sự đồng thuận.

Chưa thực hiện được cơ chế "được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án (kể cả phần diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng)", do ngành tài chính chưa đồng thuận. Chưa có cơ chế xử lý đối với giá trị của phần diện tích xây dựng công trình phụ như hành lang, cầu thang, sàn mái…

Một điểm nữa là các khu chung cư cũ phần lớn nằm trong các quận nội thành hiện hữu, có thể là cơ hội tốt để các CĐT bỏ vốn tiến hành cải tạo, sữa chữa hoặc xây dựng mới các chung cư cũ. Tuy nhiên, hiện các quy trình, thủ tục thực sự là rào cản và cơ chế dành cho chủ đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội: Rà soát toàn bộ chung cư cũ cần cải tạo

    Hà Nội: Rà soát toàn bộ chung cư cũ cần cải tạo

    08:01, 16/11/2022

  • Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

    Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

    00:15, 22/08/2022

  • Đối tượng nào được hỗ trợ lãi suất 2% mua nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ?

    Đối tượng nào được hỗ trợ lãi suất 2% mua nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ?

    11:55, 11/07/2022

  • Hà Nội tăng tốc cải tạo chung cư cũ

    Hà Nội tăng tốc cải tạo chung cư cũ

    03:00, 03/05/2022

DIỆU HOA