Nâng cao ý thức và thực hành phát triển bền vững
"VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đang thực hiện xuất sắc vai trò cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức và thực hành phát triển bền vững".
Đây là một trong những nội dung trong cuộc trao đổi của DĐDN cùng ôngLeo Evers – Tổng Giám đốc điều hành HEINEKEN Việt Nam bên lề Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững 2018 (Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức).
- Thưa ông, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với năng lực cạnh tranh quốc giá để phát triển bền vững đang là một xu thế tất yếu. Nhưng vai trò của ai sẽ là quan trọng nhất trong xu thế này, thưa ông?
Theo tôi, để phát triển bền vững, theo đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, từng cá nhân và tổ chức trong xã hội đều đóng vai trò quan trọng.
Với Chính phủ, đó chính là vai trò dẫn dắt, khuyến khích và thúc đẩy cộng đồng và doanh nghiệp nâng cao ý thức và thực hành phát triển bền vững.
Gần đây, chúng tôi nhận thấy Chính phủ và các bộ ngành đã có những quyết định chính sách liên quan đến việc thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và liên hiệp quốc. Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) & Hội Đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cũng đã và đang thực hiện xuất sắc vai trò cầu nối giữa Doanh nghiệp và Chính phủ cho các mục tiêu này với nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo. Trong đó, nổi bật hơn cả là việc tổ chức xếp hạng Doanh nghiệp bền vững theo bộ chỉ số CSI100. Tôi cho rằng đây là những bước khởi đầu tích cực nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng của thương hiệu trong việc truyền thông và lan tỏa những thực hành tốt trong cộng đồng. Để có thể khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và nhà nước rất quan trọng. Tôi hoan nghênh sáng kiến của Hội nghị Phát triển bền vững toàn quốc sắp tới. Đây là dịp tốt để doanh nghiệp và nhà nước cùng chia sẻ và lắng nghe những ý kiến đóng góp nhằm cải thiện những bất cập, tháo gỡ khó khăn cho mục tiêu phát triển chung của quốc gia.
Về phía doanh nghiệp, tôi nghĩ nên có nhiều hơn nữa những điển hình phát triển bền vững được ghi nhận và chia sẻ rộng rãi để các doanh nghiệp có thể mạnh dạn theo đuổi con đường phát triển bền vững này. Những doanh nghiệp đã thực hiện thành công & hiệu quả chiến lược phát triển bền vững hãy chung tay cùng Chính phú và các bộ, ngành lan tỏa những sáng kiến tốt, những câu chuyện điển hình về phát triển bền vững để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp cùng thay đổi, vì sự thịnh vượng của doanh nghiệp nói riêng & của toàn xã hội nói chung.
Có thể bạn quan tâm
"Doanh nghiệp là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia"
09:42, 05/07/2018
4 xu hướng lớn để Việt Nam phát triển bền vững
09:42, 05/07/2018
Cạnh tranh thông minh và nhân văn
05:42, 05/07/2018
Phát triển bền vững thời kỳ 4.0: Sẽ không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau
19:00, 04/07/2018
Tổng Giám đốc Coca - Cola Việt Nam: Phát triển bền vững - "Phím enter” của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong CMCN 4.0
09:51, 05/07/2018
- Như ông nói, từng cá nhân và tổ chức trong xã hội đều đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Với HEINEKEN, mỗi cá nhân trong 3.000 lao động tại HEINEKEN có vai trò như thế nào, thưa ông?
Con người luôn là yếu tố trọng tâm hàng đầu trong mọi hoạt động của HEINEKEN Việt Nam. Ngoài việc luôn quan tâm đầu tư cho các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực hiện hữu để cập nhật xu hướng kinh doanh tiên tiến, chúng tôi còn chú ý đến nguồn nhân lực kế thừa qua các chương trình thực tập sinh quản lý trong khu vực và toàn cầu.
Hiện lực lượng này đang tạo nên một luồng sinh khí mới mẻ trong văn hóa kinh doanh lấy con người làm trọng tâm của HEINEKEN. Tôi tin rằng nếu Chính phủ nói chung và doanh nghiệp nói riêng có chiến lược thu hút và phát triển con người hợp lý, thì việc có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ công nghiệp 4.0 là việc trong tầm tay.
Tại HEINEKEN Việt Nam hiện nay, trong tổng số gần 3.000 lao động, chỉ có 9 chuyên gia nước ngoài. Người Việt Nam không chỉ nắm những vị trí chủ chốt tại HEINEKEN Việt Nam mà còn là chuyên gia tư vấn trong tập đoàn HEINEKEN toàn cầu.
- Để đáp ứng được những yêu cầu mới về phát triển bền vững trong bối cảnh 4.0 hiện nay, buộc các doanh nghiệp phải có những kế hoạch mới, doanh nghiệp ông đã chuẩn bị và có kế hoạch như thế nào?
Việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững giúp chúng tôi nhận diện cơ hội & quản lý rủi ro rất hiệu quả. Việc được VCCI xếp hạng là Doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam tạo thêm động lực để chúng tôi tiếp tục sáng tạo trên hành trình phát triển bền vững của mình.
Tại HEINEKEN Việt Nam, quy trình hoạt động nói chung và sản xuất nói riêng luôn được đầu tư cải tiến với những công nghệ hiện đại nhất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn & chất lượng cho người tiêu dùng. Hệ thống thông tin của chúng tôi cũng được cập nhật thường xuyên để đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ và hiệu quả trong việc xử lý công việc, theo dõi tiến độ và thông tin như các hệ thống báo cáo, hệ thống thanh toán, hệ thống truyền thông nội bộ...
Phát triển nguồn nhân lực không chỉ giúp đảm bảo việc vận hành hiệu quả những máy móc thiết bị và hệ thống hiện đại này, mà còn đảm bảo việc không ngừng sáng tạo để không chỉ đáp ứng mà còn chủ động thay đổi và cải tiến. Hàng năm, chúng tôi dành 1 khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng cho riêng các hoạt động tào tạo nguồn nhân lực bên cạnh các khóa huấn luyện nội bộ và hỗ trợ trực tiếp từ cấp trên.
Chúng tôi tin rằng việc luôn cập nhật và tiên phong dẫn đầu xu hướng sẽ giúp chúng tôi chủ động hơn để có thể nắm bắt tốt hơn các cơ hội mới từ cuộc cách mạng này.
- Xin cám ơn ông!