[VBF giữa kỳ 2019]: Doanh nghiệp kiến nghị “nới” trần giờ làm thêm
Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cho biết họ gặp khó khăn bởi quy định áp trần 300 giờ làm thêm một năm, nên kiến nghị nới lỏng mức trần giờ làm thêm.
Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, quy định về giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt đang làm cản trở doanh nghiệp.
Nâng tiêu chuẩn số giờ làm thêm
Doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc do giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt của Chính phủ Việt Nam là 4 giờ/ tuần, 30 giờ/ tháng, 200 giờ/ năm, chỉ với một số ngành nghề cần tập trung nhiều lao động như may mặc, dệt may, giày dép được mức 300 giờ/năm. Trong khi đó, năng suất lao động Việt hiện còn khá thấp, không đảm bảo sản xuất cho các doanh nghiệp có tính thời vụ, phải đảm bảo tiến độ hợp đồng. “Điều này hạn chế cả với người lao động và người sử dụng lao động”, ông Kim Han Yong nhấn manh.
Chủ tịch Kocham cũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, do đó, để tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư này, cần phải nới rộng giới hạn này thêm nhiều.
“Tại Hàn Quốc công nhận số giờ làm thêm khoảng 600 giờ/ năm, tức 12 giờ/ tuần, trong khi Việt Nam lại áp trần mức 200 giờ/năm”, Ông Kim Han Yong chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, sửa đổi Luật lao động cần theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ. Đồng thời, không sử dụng hệ thống trả công luỹ tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các doanh nghiệp.
Báo cáo của Nhóm công tác Nguồn Nhân lực của VBF 2019 cũng cho thấy, việc nới lỏng mức trần của số giờ làm thêm là đáng hoan nghênh. “Nhưng vẫn cần lưu ý rằng giới hạn này vẫn còn thấp hơn mức trung bình của khu vực. Chúng tôi đề xuất các văn bản hướng dẫn thực hiện không cấm nhân viên làm việc thêm giờ vượt quá mức trần này nếu họ có nguyện vọng như vậy để tăng thêm thu nhập”, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm công tác Nguồn Nhân lực cho biết.
Trước đó, năm 2013 khi sửa đổi Bộ luật lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị phương án nới lỏng số giờ làm thêm 1 năm lên 360 giờ nhưng đã không được thực hiện do sự phản đối của Công đoàn.
Mới đây, Bộ Luật lao động (sửa đổi) tiếp tục đưa đề xuất vấn đề này, theo đó nâng mức giới hạn giờ làm thêm lên 300 giờ/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động cho rằng khung giờ làm thêm này chưa đủ bù đắp thiếu hụt về năng suất lao động thấp.
Có thể bạn quan tâm
[VBF giữa kỳ 2019]: “Xem xét lại việc cấm xe máy vào năm 2030”
08:58, 26/06/2019
[VBF giữa kỳ 2019]: Nền kinh tế phải vỗ bằng hai bàn tay Chính phủ và doanh nghiệp
08:35, 26/06/2019
[VBF giữa kỳ 2019]: Phát triển bền vững là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp
15:19, 25/06/2019
Sửa đổi cách tính lương làm thêm giờ
Đặc biệt, hiện tính tiền lương làm thêm đang được áp dụng mức 150%, 200% và 300% tuỳ thời điểm. Đại diện Kocham cho biết, quy định phải chi trả tiền lương làm thêm giờ ít nhất 300% đối với ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hưởng lương, và theo điều khoản này thì tiền lương làm thêm giờ không bao gồm trong tiền lương của ngày làm việc vào ngày lễ, Tết, ngày nghỉ hưởng lương này.
“Bởi vậy, trên thực tế, vào ngày nghỉ lễ, doanh nghiệp phải chi trả mức tiền lương 400% dẫn tới doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí lớn”, Chủ tịch Kocham phân tích.
Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị nên loại trừ điều khoản này để tiền lương làm thêm giờ của các ngày này bao gồm cả tiền lương của ngày đó giống như tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ theo tuần.
Được biết, cũng trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, phía Tổng Liên đoàn Lao động còn đề xuất cách tính lương luỹ tiến, điều này được cộng đồng doanh nghiệp cho rằng sẽ gây áp lực, gánh nặng, thậm chí “đánh sập” doanh nghiệp.