[VBF giữa kỳ 2019]: Ba kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản
Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết vẫn còn gặp khó khăn liên quan vấn đề quan hệ đối tác công-tư, sự chậm phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ và sự thay đổi của luật pháp.
Theo ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vẫn gặp vướng mắc trong một số vấn đề như: rủi ro cao của mô hình PPP; sự phát triển chậm của ngành công nghiệp phụ trợ cùng với sự thay đổi của các quy định luật pháp đang làm khó doanh nghiệp, thậm chí gây xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ nhất, vấn đề phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chủ tịch JCCI nhận định, Chính phủ được dự kiến sẽ cam kết phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Năm ngoái, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đạt mức cao nhất từ trước tới giờ, đó là nhờ những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, FDI chủ yếu phát triển sản xuất và lắp ráp thành phẩm, các ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa được đẩy mạnh phát triển.
“Hiện các ngành công nghiệp phụ trợ đang đối mặt với sự cạnh tranh chi phí toàn cầu, vì vậy cần đến sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Chính phủ để cải thiện năng suất ở Việt Nam”, Chủ tịch JCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
[VBF giữa kỳ 2019]: Doanh nghiệp kiến nghị “nới” trần giờ làm thêm
09:34, 26/06/2019
[VBF giữa kỳ 2019]: “Xem xét lại việc cấm xe máy vào năm 2030”
08:58, 26/06/2019
[VBF giữa kỳ 2019]: Nền kinh tế phải vỗ bằng hai bàn tay Chính phủ và doanh nghiệp
08:35, 26/06/2019
[VBF giữa kỳ 2019]: Phát triển bền vững là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp
15:19, 25/06/2019
Thứ hai, vấn đề về PPP – Quan hệ đối tác công-tư. Ông Nobufumi Miura cho rằng, hiện nay, vấn đề nợ công của Việt Nam đã được quản lý đến mức giới hạn cao nhất, do đó, Việt Nam cần thúc đẩy việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng của các bên tư nhân.
“Tuy nhiên, những nhà đầu tư lại đang gặp phải những rủi ro cao trong mô hình PPP – Quan hệ đối tác công-tư hiện tại. Để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các dự án PPP, Chính phủ cần làm rõ sự phân bổ rủi ro giữa Chính phủ và các bên tư nhân, và hỗ trợ toàn diện cho bên tư nhân nhằm đảm bảo sự hoàn vốn hợp lý từ khoản đầu tư”, ông Nobufumi Miura nhấn mạnh.
Muốn vậy, yêu cầu đặt ra phải là áp dụng “Hệ thống đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ” và “Luật nước ngoài” làm luật điều chỉnh.
Thứ ba, khả năng dự đoán thay đổi của luật pháp. Theo ông Nobufumi Miura, để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới bao gồm các ngành công nghiệp phụ trợ, Chính phủ cần phải sắp xếp tương xứng các luật & quy định và áp dụng chúng đồng bộ nhằm đảm bảo khả năng dự đoán thay dổi của luật pháp.
“Sự thay đổi về luật hay quy định trong khoảng thời gian ngắn và việc giải thích và áp dụng các quy định không hợp lý sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh doanh ổn định. Điều này sẽ làm tăng chi phí văn phòng, dẫn đến những khó khăn trong việc thiết lập và điều hành các ngành công nghiệp”, ông Nobufumi Miura cho biết.
Đơn cử, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với những lo ngại nghiêm trọng về môi trường và đang áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy việc bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi tôn trọng hành động này ở Việt Nam, tuy nhiên, nhiều biện pháp dường như không thực tế đối với các doanh nghiệp, cũng như không đưa ra đủ thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị cho các quy định mới", ông Nobufumi Miura nhận định.
Do đó, Chủ tịch JCCI đề nghị, Chính phủ thực hiện các biện pháp phù hợp cho việc ban hành, sửa đổi luật và quy định, và đưa ra khung thời gian hợp lý cho sự thay đổi trong tương lai.