TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: "Tăng năng suất lao động nên bắt đầu từ nội tại các ngành, các doanh nghiệp"

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI 07/08/2019 08:00

Để tiếp tục thúc đẩy việc tăng năng suất, cần phải cải thiện năng suất nội tại của các ngành, của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.

Trước thềm Hội nghị Cải thiện Năng suất Lao động Quốc gia được tổ chức vào sáng ngày 7/8 và Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban về Đối tác Công - Tư có bài tham luận về chủ đề này. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp xin được đăng toàn bài tham luận.

TS

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban về Đối tác Công - Tư. 

"Theo Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế, thì “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì gần như là tất cả”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của năng suất và tăng năng suất chính là con đường duy nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững để có được thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 đến 18.000 USD/người vào năm 2035 như đã đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. NSLĐ (theo giá hiện hành) ước đạt 102 triệu đồng/lao động năm 2018, tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016-2018 là 5,77%/năm.

Tính chung giai đoạn 10 năm 2008- 2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm); Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philipine (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm).

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philipine. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Quá trình tăng năng suất trong giai đoạn vừa qua chủ yếu nhờ sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp (khu vực năng suất thấp) sang khu vực công nghiệp, dịch vụ (khu vực năng suất cao). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dư địa cho tăng năng suất dựa trên sự dịch chuyển lao động sẽ không còn nhiều. Chính vì thế, để tiếp tục thúc đẩy việc tăng năng suất, cần phải cải thiện năng suất nội tại của các ngành, của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao năng suất lao động Việt Nam chưa 'bằng chị, bằng em'?

    Vì sao năng suất lao động Việt Nam chưa 'bằng chị, bằng em'?

    10:24, 06/08/2019

  • “Không tăng được năng suất lao động chúng ta sẽ tụt hậu”

    “Không tăng được năng suất lao động chúng ta sẽ tụt hậu”

    16:16, 31/05/2019

  • [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 3: Kinh tế tư nhân

    [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 3: Kinh tế tư nhân

    06:30, 06/05/2019

  • Thủ tướng Chính phủ: Phát triển đất nước phải dựa vào năng suất lao động

    Thủ tướng Chính phủ: Phát triển đất nước phải dựa vào năng suất lao động

    10:16, 05/05/2019

  • [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 2: Từ quy luật “công cụ”

    [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 2: Từ quy luật “công cụ”

    05:00, 03/05/2019

  • [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 1: Tìm về K. Marx

    [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 1: Tìm về K. Marx

    05:00, 01/05/2019

  • “Chìa khoá” tăng năng suất lao động

    “Chìa khoá” tăng năng suất lao động

    14:30, 30/04/2019

Theo Báo cáo Việt Nam 2035, năng suất lao động đang giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính (những ngành mà doanh nghiệp (DN) nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và nhận nhiều ưu đãi). Trong khi hoạt động của các DN tư nhân Việt Nam còn đáng ngại hơn, dù số lượng DN tư nhân tăng, nhưng năng suất lại giảm. Điều này do hầu hết DN tư nhân có quy mô nhỏ và hoạt động trong khu vực phi chính thức nên khó tăng năng suất dựa vào quy mô, công nghệ.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản) - là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất, trong khi Thái Lan và Malaysia tạo dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ, còn Singapore từ lâu đã cạnh tranh thông qua các sản phẩm, dịch vụ đặc thù với trình độ kỹ thuật rất cao. Việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh nước ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp, những lợi thế cạnh tranh truyền thống nói trên đang dần biến mất thì vấn đề năng suất thấp sẽ là một cản trở lớn đối với việc thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế và sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, năng suất cần phải trở thành động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”, vẫn còn khoảng cách lớn giữa NSLĐ của các DN ngành Công nghiệp chế tạo Việt Nam và các nước thu nhập trung bình trong khu vực (như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia) và rất lớn so với các nước công nghiệp (Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) tăng tốc và tạo nguy cơ các việc làm có kỹ năng đơn giản và lặp đi lặp lại bị mất đi do tự động hóa trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thì phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ sẵn sàng đối với cuộc CMCN4.0 còn thấp.

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam luôn có nhiều hoạt động để tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao năng suất của nền kinh tế nói riêng và năng lực cạnh tranh nói chung. VCCI đang được giao thực hiện Đề án cải thiện năng suất của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2020 – 2030. Đặc biệt, Chủ tịch VCCI đã được Hội đồng Lý luận Trung ương giao chủ trì đề tài cấp nhà nước “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”. Theo quan điểm của giáo sư Michael Porter người đã nghiên cứu khung phân tích năng lực cạnh tranh trong ba thập kỷ qua thì yếu tố trung tâm cốt lõi của Năng lực cạnh tranh là khái niệm Năng suất và Năng suất là yếu tố động lực cốt lõi dẫn dắt sự thịnh vượng bền vững.

Trong khuôn khổ đề tài này, VCCI đã phối hợp với nhiều viện nghiên cứu trong nước và quốc tế như Viện Cạnh tranh Châu Á - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học quốc gia Singapore, Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, Đài Loan, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản. VCCI cũng đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức 02 hội thảo về chủ đề năng suất quốc gia, yếu tố cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã chỉ ra những giải pháp mang tính chất căn cơ nhằm cải thiện năng suất của Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu từ báo cáo đã cho thấy một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất là việc thực hiện Phong trào năng suất quốc gia. Từ các kết quả nghiên cứu và các ý kiến tại các hội thảo trên, VCCI đã có công văn đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào năng suất quốc gia ở Việt Nam.

Phong trào năng suất quốc gia sẽ tập trung vào việc tăng hiệuquả và năng suất cho các doanh nghiệp, các tổ chức thông qua cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa con người, thiết bị và hệ thống quản lý. Chính vì thế mà Việt Nam cần xây dựng một chương trình nâng cao năng suất quốc gia có tính lâu dài với sự cam kết của lãnh đạo cao nhất - một yếu tố quan trọng cho thành công của các chính sách lớn, mang tính bao trùm, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực.

VCCI và cộng đồng doanh nghiệp vui mừng khi biết Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức phát động Phong trao năng suất lao động quốc gia tại hội nghị lần này. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, VCCI sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình nhằm tuyên truyền và thúc đẩy mạnh mẽ nhận thức về phong trào năng suất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động áp dụng các phương pháp cải tiến năng suất tại các doanh nghiệp, nâng cấp quản trị và trình độ công nghệ và đặc biệt là thực hiện quá trình chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh".

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI