Bản thân phạm trù "lao động" đã là một khoa học, tác động vào lao động dĩ nhiên cần có phương pháp khoa học...
Báo nói Diễn đàn Doanh nghiệp: |
Để viết bộ “Tư bản”- tác phẩm đồ sộ về kinh tế và chính trị của thế giới tư bản, Marx thoạt đầu xuất phát từ phạm trù “lao động”, nhưng khi đi được một nửa chặng đường Marx nhận ra rằng, lao động không phản chiếu hết bản chất của chủ nghĩa tư bản, Marx quay lại từ đầu bằng phạm trù “hàng hóa”.
Song, Marx để lại cho hậu thế hệ thống quan điểm rất khoa học về lao động và cấu trúc của nó, hay nói cách khác Marx vẽ ra “hình hài của lao động”. Nhìn vào đó có thể biết được vì sao quốc gia này phát triển trong khi quốc gia khác lại nghèo nàn.
Hơn 200 quốc gia tồn tại trên địa cầu có thể chọn cho mình thể chế chính trị khác nhau, trưởng thành trong bối cảnh lịch sử không giống nhau, có nước giàu, nước nghèo… Vậy điều gì làm nên sự khác biệt đó?
Để có một xã hội thịnh vượng 90% dựa vào năng suất lao động, 10% còn lại chia đều cho các điều kiện khác như tài nguyên thiên nhiên, “địa chính trị”... Minh chứng cho điều này là Nhật Bản, Israel, Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam…
Năng suất lao động là thước đo mức độ hiệu quả do con người và các đơn vị sản xuất chuyển đổi nguồn lực sản xuất để tạo ra sản phẩm là hàng hóa và dịch vụ cho xã hội.
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất của lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian, hay lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Vì sao Việt Nam chưa hóa rồng hóa hổ? Không phải vì chúng ta khan hiếm tài nguyên, cũng không phải người Việt thiếu sáng tạo, mà nguyên nhân ở chổ “siêng ăn nhác làm”, “làm ít chơi nhiều”, “làm không hiệu quả - nói như dân gian, mà thuật ngữ thường dùng là “năng suất lao động thấp”.
Cận cảnh hơn, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.
Nguyên nhân đã rõ ràng, vấn đề bây giờ là tìm giải pháp, có nhiều cách nhưng không gì tốt hơn tác động vào “cấu trúc nội tại của lao động” để thay đổi những yếu tố thành phần - như là cuộc cách mạng về “chất” của lao động.
Có thể bạn quan tâm
14:30, 30/04/2019
00:10, 07/04/2019
11:00, 03/04/2019
Marx - một triết gia xã hội lỗi lạc và hệ thống lý luận của ông ấy về lao động đang trở nên có giá trị, nhất là trong bối cảnh làm thế nào để Việt Nam cải thiện năng suất lao động cần giải đáp hơn bao giờ hết.
Mỗi giai đoạn lịch sử đều được điển hình bởi một kiểu phương thức sản xuất khác nhau, được cấu thành bởi quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.
Điều cần quan tâm đầu tiên là lực lượng sản xuất, lại được tạo thành từ người lao động và tư liệu lao động.
Tư liệu lao động lại được hợp thành từ công cụ lao động và hệ thống cơ sở hạ tầng kho bãi, đường sá phục vụ… thuật ngữ hiện đại gọi là Logistic.
Trong tư liệu lao động thì công cụ lao động (Marx gọi là hệ thống xương cốt và bắp thịt của nền sản xuất) giữ vai trò quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Có thể thấy, bất kỳ quốc gia nào hùng cường đều có lực lượng sản xuất hùng mạnh: Nói cụ thể là con người sáng tạo, nhân lực chất lượng cao và công nghệ sản xuất tiên tiến.
Như vậy, cái cần quan tâm nhất ở Việt Nam hiện nay là tư liệu lao động và con người. Đương nhiên không thể đi thuê tất cả mang về là sẽ hiện đại hóa ngay tức thì lực lượng sản xuất.
Đó là quá trình tác động có chiều sâu, từ nội tại, vì tư liệu sản xuất không ngừng phát triển từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hiện đại và đòi hỏi sự phát triển tương ứng về trình độ của người lao động.
Hay nói cách khác cải tạo tư liệu sản xuất là một quá trình, thường được bao trùm bởi công nghiệp hóa, điện khí hóa…mà nhiều quốc gia đã thực hiện xong.
Trước năm 1986, chúng ta vội vàng tiến nhanh tiến mạnh lên XHCN - tức là muốn thay đổi quan hệ sản xuất một cách nhanh chóng trong khi lực lượng sản xuất quá lạc hậu, mà quên rằng lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất.
Có nghĩa là quan hệ sản xuất, gồm có: quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối và quan hệ quản lý tổ chức sản xuất luôn tác động sâu sắc đến năng suất lao động.
Ví dụ: chế độ phân phối hợp lý, công bằng (mức lương đuổi kịp thuế phí tăng, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động…) sẽ góp phần tăng năng suất lao động; quan hệ sở hữu là yếu tố quan trọng hiện nay, khi sở hữu nhà nước (các tập đoàn, tổng công ty) cho thấy bất cập, năng suất lao động kém dẫn đến trì trệ, thua lỗ.
Nhân loại đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trí tuệ chiếm một vị trí ngày càng tăng trong giá trị sản phẩm và trở thành tài nguyên của mỗi quốc gia.
Nghiên cứu nhiều phương thức sản xuất trong lịch sử Marx tổng kết rằng: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”.
Có thể thấy rằng, cái điện thoại thông minh - bản thân nó không thể đại diện cho thời đại công nghệ thông tin hiện nay, mà “cách người ta làm ra nó: dây chuyền, công nghệ, makerting…” mới là thứ đại diện cho một thời đại.
Bất kỳ quá trình sản xuất nào từ giản đơn đến phức tạp đều là sự kết hợp của ba yếu tố: Lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động.
Quá trình tăng năng suất lao động được gói gọn bằng “tái sản xuất sức lao động” - về mặt số lượng chịu sự chi phối của nhiều điều kiện khác nhau, trước hết là của quy luật nhân khẩu. Quy luật này đòi hỏi phải đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu và khả năng cung ứng sức lao động của quá trình tái sản xuất xã hội.
Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối của các nhân tố chủ yếu: tốc độ tăng dân số và lao động; xu hướng thay đổi công nghệ, cơ cấu, số lượng và tính chất của lao động; năng lực tích luỹ vốn để mở rộng sản xuất của mỗi quốc gia ở từng thời điểm.
Vì vậy, cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam không thể thực hiện nếu chỉ xuất hiện vài ba phát biểu hời hợt, mang tính chất khẩu hiệu, đó phải là quá trình tác động đúng chổ, đúng lúc, đúng nơi đòi hỏi các nhà hoạch định phải nắm rõ cấu trúc của lao động.
Bài 2: Từ quy luật "công cụ"